Tại Hội thảo quốc tế “Hướng tới một ASEAN không còn bạo lực trên cơ sở giới – Kinh nghiệm của các tổ chức phi chính phủ về xây dựng và thực hiện chính sách”,diễn ra từ 10 – 11/5 tại Hà Nội, nhiều đại biểu nhấn mạnh, bạo lực giới là vấn đề hết sức nghiêm trọng, diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi và rất cấp thiết chấm dứt tình trạng này để mang lại bình đẳng và công bằng xã hội.
Pháp luật còn “nương tay” với bạo lực giới
Dẫn lại vụ án Chu Quang Đạo (ở Hiệp Hòa, Bắc Giang) cắt gân tay, gân chân và cố tình chọc mù mắt vợ, khiến chị này bị thương tích 36%, song người chồng mất nhân tính chỉ bị xử phạt 5 năm tù, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) khẳng định, tính răn đe của pháp luật đối với tình trạng bạo lực giới ở Việt Nam vẫn chưa nghiêm minh.
Rất nhiều vụ bạo lực phụ nữ và trẻ em gái không được đưa ra ánh sáng (Ảnh: CARE) |
“Đây chỉ là một trong vô số vụ bạo hành gia đình được đưa ra ánh sáng. Tôi nghĩ rất nhiều trường hợp được dàn xếp và bị rơi vào quên lãng mặc dù đối tượng gây ra bạo lực rất đáng bị pháp luật trừng trị. Bởi không có sự nghiêm minh nên tại tòa, người chồng trong vụ án trên ngang nhiên đạp đổ vành móng ngựa, buông lời thóa mạ nạn nhân và gia đình cô ấy” – bà Vân Anh chia sẻ.
Theo Giám đốc Trung tâm CSAGA, bạo lực giới ở Việt Nam hiện nay là vấn đề thực sự đáng quan ngại. Bên cạnh bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực trong gia đình rất phổ biến và trở thành “truyền thống”, thì nghiêm trọng hơn, bạo lực tình dục đối với trẻ em thực sự là nỗi lo của tất cả mọi người có lương tri, trách nhiệm trong xã hội cho đến các bậc cha mẹ.
Bà Vân Anh dẫn chứng: Theo nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ tại 30 trường phổ thông ở Hà Nội, có tới 11% học sinh bị xâm hại tình dục ít nhất 1 lần. Nhiều phụ huynh chắc hẳn không tin hoặc giật mình với con số này. Nhưng thực tế, kết quả nghiên cứu của CSAGA tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang và TP HCM từ hơn 6 năm trước cũng khớp với số liệu trên. Thậm chí, có những học sinh bị xâm hại tình dục đến 14 lần.Đây là điều khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng.
Làm sao xóa bỏ bạo lực giới?
Bà Nguyễn Vân Anh thừa nhận, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thực sự là thách thức rất lớn. Điều này liên quan các quan niệm, thói quen tồn tại đã rất lâu đời trong xã hội Việt Nam. Trong đó, đàn ông tự coi mình là người có quyền để có thể ra lệnh, quyết định tất cả mọi thứ trong gia đình cũng như trong xã hội. Với quan điểm gia trưởng như vậy, họ đồng thời coi vợ và con gái là “tài sản có thể sử dụng”, do đó họ có thể đánh đập, gây ra những tổn thương về tinh thần và vật chất khác.Trong khi đó, ở Việt Nam, những thói quen xử lý theo tình, theo quan niệm, cảm xúc rất nặng nề. Cho nên luật pháp bảo vệ phụ nữ có từ rất lâu và đầy đủ nhưng việc thực thi ở tất cả mọi ngóc ngách cuộc sống lại là câu chuyện quá xa vời. Tại rất nhiều nơi, thậm chí những người có trách nhiệm vẫn còn chưa hiểu rõ về luật, tính nhân văn của luật cho nên xử theo tình.
Bà Vân Anh nói: “Đơn cử như việc những vụ cưỡng hiếp, có rất nhiều vụ đã được dàn xếp dân sự. Những vụ xâm hại tình dục được dàn xếp đền bù bằng tiền bạc. Một số vụ được công khai nhưng nhiều vụ chúng ta không biết được và đã bị chìm vào trong im lặng”.
Theo bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng thừa nhận, trong xã hội Việt Nam, những vụ bạo lực giới chủ yếu xử lý về mặt tình là chính và được tiến hành tại địa phương thông qua hình thức hòa giải; mục đích chủ yếu là tuyên truyền, vận động, những vụ phức tạp mới sử dụng chế tài.
“Những vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em xảy ra trong cuộc sống vẫn được các cơ quan báo chí thường xuyên phát hiện. Tuy nhiên, những mâu thuẫn gia đình thường các cơ quan chức năng ở địa phương xử lý tại chỗ” – bà Tuyết Ánh nói.
Vụ trưởng Vụ Gia đình cho biết: “Ngày 8/3/2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình, trong đó lấy tháng 6 hằng năm là Tháng hành động để cả xã hội sẽ chung tay phòng chống bạo lực gia đình.
Chúng tôi cũng đang trình Chính phủ những văn bản rất quan trọng, đó là: Quy chế phối hợp liên ngành về phòng chống bạo lực gia đình, Chương trình giáo dục quốc gia về đời sống gia đình. Những văn bản này khi được ban hành, trong thời gian tới, tất cả các cơ quan có liên quan cũng như các địa phương trong cả nước sẽ có những hành động thiết thực về phòng chống bạo lực giới”./.Trẻ em bị xâm hại tình dục, cha mẹ thường tìm cách giấu giếm