Liên quan đến vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, trường THCS Duy Ninh, tỉnh Quảng Bình phạt một học sinh nam lớp 6.2 về lỗi nói tục bằng cách cho cả lớp tát 231 cái khiến học sinh phải nhập viện, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đây là hành vi vi phạm đạo đức, nhân cách nhà giáo.

Cùng với việc khởi tố vụ án thì ngành chức năng tỉnh Quảng Bình cần xem xét nên đưa giáo viên này ra khỏi ngành để răn đe và nhằm ngăn chặn nạn bạo lực trong trường học.

photo_1_15431497622191308720042_crop_15431497931791882950133_fajk.jpg
Trường THCS xã Duy Ninh nơi xảy ra vụ việc.

Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên bức xúc cho rằng đây là hành vi không thể chấp nhận được trong môi trường sư phạm.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường liên cấp trung học cơ sở- trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Hà Nội nói: “Giáo viên hiện nay chịu áp lực rất nhiều trong cuộc sống, hoạt động nghề nghiệp. Nếu hành động đó là bộc phát thì cũng có thể tha thứ được, nhưng ở đây đã cho các em thực hiện hành vi trong một thời gian khá lâu, nhiều học sinh tham gia như vậy có tính chất tập thể. Đó là việc làm không thể chấp nhận được với một nhà giáo”.

Điều đáng nói là từ đầu năm học đến nay, còn có 10 bạn học sinh khác trong lớp 6.2 Trường THCS Duy Ninh cũng bị cô Nguyễn Thị Phương Thủy phạt theo cách này. Đây cũng không phải là lần đầu tiên giáo viên Nguyễn Thị Phương Thủy áp dụng những biện pháp bạo lực với học sinh, mà trước đó ở đơn vị cũ đã nhiều lần bị kỷ luật vì các hành động đánh học sinh.

Hành vi giáo viên yêu cầu các học sinh trong lớp phải tát bạn vừa vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, nhân cách nhà giáo. Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã có công văn quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy và Công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã ra Quyết định khởi tố vụ án để điều tra về “Tội hành hạ người khác”. Dư luận xã hội và nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên cho rằng ngành giáo dục phải xử lý mạnh tay hơn nữa đó là đưa giáo viên này ra khỏi ngành.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói: “Hành động đó cả xã hội lên án và ngành giáo dục phải nghiêm trị cô giáo đó một cách rất nghiêm khắc để làm gương cho tất cả mọi người. Ngành giáo dục thì trong thời gian vừa qua cũng có những thành tựu đáng kể nhưng mà lại có những người làm như vậy kiểu như “con sâu làm rầu nồi canh”. Các cấp lãnh đạo giáo dục không thể tha thứ cho việc này mà phải kiên quyết xử lý kỷ luật một cách nghiêm minh, thậm chí phải đưa ra khỏi ngành. Bởi vì dù có mất một giáo viên nhưng mà sẽ giáo dục sẽ tốt hơn và sẽ ngăn chặn được nạn bạo lực học đường”.

Trong nhà trường, để học sinh tự nhận thức được hành vi vi phạm của mình thì giáo viên có thể đưa ra các hình thức kỷ luật. Tuy vậy, hình thức kỷ luật như thế nào cũng phải hướng tới mục đích giáo dục học trò chứ không phải xúc phạm tâm lý, thân thể học trò.

Tiến sỹ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, giáo viên sử dụng biện pháp bạo lực với học trò thể hiện sự yếu kém về kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp: “Việc này không những gây tổn thương cho em bé này mà còn gây tổn thương cho tất cả những em học sinh tham gia vào việc đánh bạn như vậy. Bởi vì có những em học sinh không bao giờ đánh ai và các em biết là việc này sai trái. Thế nhưng vì sợ cô, vì sợ rằng là nếu mình không đánh bạn thì mình cũng sẽ là nạn nhân bị bạo hành nên là các em phải đánh bạn và các em sẽ có cảm giác là tay mình nhúng chàm vậy. Các em sẽ có sự day dứt, khó chịu, mâu thuẫn rất là nhiều và chính những em học sinh này sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề hơn là những học sinh là nạn nhân”.

Khi đã đứng trên bục giảng, giáo viên phải có trách nhiệm yêu thương, giúp đỡ học trò, không thể dồn hết những bức xúc, áp lực của công việc lên học sinh. Đặc biệt là dùng hình phạt bắt học sinh trong lớp tát học sinh có thể gây hậu quả kép đó là gieo bạo lực trong học trò, sau này lớn lên nhân cách các em sẽ bị ảnh hưởng rồi dễ dẫn đến hành xử theo cách bạo lực. Xã hội đang mong chờ ngành chức năng tỉnh Quảng Bình đưa ra hình thức xử phạt thích đáng, kiên quyết xử lý giáo viên vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo đang gây bức xúc trong học sinh, phụ huynh hiện nay./.