Thanh Hóa cấm biển, hoãn tất cả các cuộc họp để chống bão

UBND tỉnh Thanh Hóa ban bố lệnh cấm biển, hoãn tất cả các cuộc họp để đối phó với bão.

bao1_vov_tlnl.png
Tại xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) nhiều ngôi nhà bị ngập sâu.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa lớn trong nhiều ngày, tính đến hết ngày 17/7, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có hàng nghìn ha lúa, hoa màu, hàng trăm ngôi nhà ngập sâu trong nước.

Theo báo cáo số 126/BC-PCTT&TKCN của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến 16h30' ngày 17/7, do mưa lớn, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 2 người mất tích, hơn 6000ha lúa, gần 900ha hoa màu, hơn 100ha diện tích nuôi trồng thủy sản và gần 500 ngôi nhà bị ngập trong nước.

Tại một số huyện miền núi đã xảy ra một số điểm sạt lở đất, hàng trăm cầu cống trên địa bàn tỉnh đã bị vùi lấp.

Để ứng phó với cơn bão số 3 đang tiến gần bờ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành, theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, tích cực đấu mối với các địa phương chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời, có phương án tối ưu nhất để ứng phó.

Các tàu bè tại Tp. Sầm Sơn đã vào nơi neo đậu tránh bão.

Yêu cầu các huyện, thị, thành phố, các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm túc việc theo dõi diễn biến và đường đi của bão để có phương án phòng tránh; thực hiện việc cấm biển, quản lý chặt chẽ đối với các tàu du lịch, tàu vận tải, việc neo đậu tàu thuyền, gia cố lồng bè nuôi thủy sản, kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ.

Theo dự báo, cơn bão số 3 sẽ tiến thẳng vào vùng biển từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, vì vậy,  UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, hoãn tất cả các cuộc họp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với bão số 3. Tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên báo về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

Nghệ An: Giao thông chia cắt trước giờ bão Sơn Tinh đổ bộ

Nhiều vùng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã bị ngập do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua. Hiện tại công tác đảm bảo an toàn trước giờ bão đổ bộ đang được gấp rút triển khai.

Người dân chủ động dỡ mái tôn để đảm bảo an toàn trước giờ bão Sơn Tinh độ bộ.

Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, tính đến 17h30' ngày 17/7, toàn tỉnh có gần 3.900 phương tiện với hơn 18.000 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản.

Tính đến tối 17/7, số phương tiện đang neo đậu tại bến là gần 3.800 phương tiện. Các tàu thuyền đều đã nhận được thông báo về vị trí, hướng đi của bão số 3.

Nhiều tràn trên các tuyến đường ở Nghệ An bị ngập sâu khiến giao thông bị chia cắt.

Phòng Quản lý giao thông - Sở Giao thông vận tải Nghệ An cho biết, do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua trên quốc lộ 48E, nhiều tràn ngập sâu. Tất cả các tràn này đã đóng đường, có người trực gác 24/24h ở hai đầu tràn, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại.

Quốc lộ 16 thuộc các xã biên giới xứ Nghệ tại km215+850 (xã Đồng Văn, huyện Quế Phong) sạt lở ta luy dương dài 17m, rộng 5,0m làm lấp rãnh dọc, lề đường, đất đá bồi lấp nền, mặt đường…

Những bao tải cát được sử dụng để chèn chắn trước các cửa ki ốt để đảm bảo an toàn.

UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các lực lượng theo dõi sát diễn biến của cơn bão số 3 và tình hình mưa lũ, tăng cường thông tin đến các cấp chính quyền và người dân, hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân phương án phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn tuyệt đối...

Mực nước dâng cao cũng khiến nhiều cầu tràn bị ngập sâu giao thông chia cắt. Sở GTVT Nghệ An, để đối phó với tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Sở này đã cắt cử người trực gác 24/24h ở hai đầu tràn tất cả các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn do lượng nước mưa lớn những ngày qua chảy quá mạnh, đồng thời nghiêm cấm người và phương tiện qua lại.

Sở GTVT Nghệ An cho biết hiện tại đã cắt cử người trực gác 24/24h ở hai đầu tràn tất cả các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn do lượng nước mưa lớn những ngày qua chảy quá mạnh, đồng thời nghiêm cấm người và phương tiện qua lại.

Theo ghi nhận của PV vào ngày 18/7, tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An nhiều hộ gia đình, chủ ki ốt kinh doanh tại đây cũng đã chủ động các phương án phòng chống đảm bảo an toàn trước giờ bão “Sơn Tinh” đổ bộ.

Người dân chủ động chằng chống nhà cửa, siết chặt những cánh cửa tránh gió giật. Nhiều mái tôn cũng được hạ xuống để đảm bảo an toàn. Nhiều hộ gia đình khác cũng dùng bao tải cát để “đắp lũy” trước các cửa ky ốt, đè lên mái tôn trước nguy cơ gió giật mạnh...

Nhiều tuyến giao thông quan trọng ở Hà Tĩnh bị sạt lở do mưa lớn

Do mưa lớn trong những ngày qua đã làm sạt lở đất đá trên một số tuyến giao thông quan trọng ở miền núi Hà Tĩnh như QL8A và Tỉnh lộ 552.

Trên tuyến Quốc lộ 8A có 5 điểm bị sạt lở, với hàng trăm khối đất đá, cây cối trên núi đổ xuống chắn ngang đường. Các điểm sạt lở cách cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo khoảng từ 1 đến 2 km.

Đoạn sạt lở với một bên là núi và một bên là vực sâu hàng trăm mét.

Trong đó tại đoạn km 82+286 sạt lở xảy ra vào chiều hôm qua (17/7), khiến các phương tiện lưu thông qua đây gặp nhiều khó khăn. Đây là đoạn đường đã từng xảy ra sạt lở vào năm ngoái, gây chia cắt đường lên cửa khẩu trong nhiều ngày.

Hiện tuyến đường tuy đã thông nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tại địa bàn giáp ranh giữa huyện Đức Thọ và huyện Vũ Quang. Còn trên Tỉnh lộ 552 nối 2 huyện cũng có nhiều đoạn bị sạt lở, làm đất đá lấp tại km 15+100 và km 15+350, Hạt giao thông số 2 của tỉnh Hà Tĩnh đã huy động nhân lực khẩn trương thông tuyến, đảm bảo giao thông.

“Đơn vị Hạt 2 chúng tôi phát hiện đoạn đường Tỉnh lộ 552 bị sạt lở nên tập trung lực lượng anh em công nhân thông tuyến để đảm bảo giao thông cho  Tỉnh lộ 552”, ông Mai Ngọc Trang, nhân viên Hạt quản lý Giao thông số 2 Hà Tĩnh cho hay./.