Sau khi Bộ GD-ĐT tạo ban hành Thông tư 17 quy định về dạy, học thêm, giáo viên, phụ huynh và những nhà quản lý giáo dục tại các tỉnh miền Trung đã bày tỏ nhiều ý kiến khác nhau.
Cô Văn Thị Hồng Hạnh - giáo viên trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Huế) mong muốn Bộ GD-ĐT cần có cơ chế, chính sách quan tâm hơn nữa đến giáo viên để họ có thể toàn tâm toàn ý với nghề giáo.
Cô Hạnh nói rằng, việc dạy thêm, học thêm với những trường chất lượng cao không cần thiết vì đầu vào của học sinh rất tốt. Nhưng đối với những trường dân lập nên tổ chức học tăng tiết cũng là một hình thức của học thêm. Việc học tăng tiết sẽ do nhà trường quản lý, mục đích giúp học sinh nâng cao kiến thức chứ không phải vì kinh tế.
Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều phụ huynh cho rằng dù thời gian học đang quá tải nhưng học thêm là nhu cầu cần thiết.
Chị Đặng Thị Ngọc Anh (ở phường Tân Lập, TP Nha Trang, Khánh Hòa nói: “Con tôi vừa đi học ở trường, vừa phải đi học thêm. Cháu học quá nhiều. Tuy nhiên tôi vẫn phải cho cháu đi học thêm vì bài vở ở trường rất khó. Các bạn của cháu cũng phải đi học thêm hết, mình cũng phải cho con đi học để theo kịp bạn bè”.
Ở góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho rằng: “Việc dạy thêm học thêm là nhu cầu thực tế của các em học sinh. Tuy nhiên, nếu chúng ta không quản lý hoạt động này sẽ dẫn đến những vấn đề tiêu cực”.
Nhận xét về Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT, ông Hùng cho rằng, thông tư ban hành kịp thời và cần thiết. Vấn đề là các địa phương, những nhà quản lý giáo dục triển khai thông tư này như thế nào, xử lý các vụ việc dạy thêm như thế nào để vừa không tổn thương những nhà giáo vừa đảm bảo nhu cầu thực tế./.