Qua tổng hợp ý kiến của chuyên gia tuyển sinh từ các trường, phụ huynh và thí sinh (TS), có 5 nguyên nhân khiến tình trạng xét tuyển diễn ra hỗn loạn trong thời gian vừa qua.
xet_tuyen_dvxe.jpg
Đến hôm qua (19/8), thí sinh vẫn tấp nập nộp - rút hồ sơ xét tuyển. Đây là khâu rối nhất trong kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên thực hiện 

1. Bộ GD-ĐT chủ quan
Nhận định chung về tình hình xét tuyển năm nay, cán bộ đào tạo một trường đại học tại TP HCM khái quát bằng 2 từ “rắc rối” và nguyên nhân tình trạng này do Bộ áp đặt và chủ quan.

 

“Bộ luôn khẳng định thông tin xét tuyển rất công khai nên thuận lợi cho TS. Tuy nhiên, vấn đề là không phải phụ huynh và TS nào cũng có thể tiếp cận được tình hình xét tuyển các trường, nhất là với những khu vực xa xôi nơi mà mạng di động còn truy cập không được. 

Đó là chưa kể việc công khai dữ liệu các trường theo đúng mẫu yêu cầu của Bộ thời gian đầu thách đố TS vì chỉ những TS biết tính toán loại trừ ảo mới có thể biết được khả năng trúng tuyển của mình”, vị này nói.

Chỉ đạo của Bộ thời gian qua thể hiện rất rõ sự lúng túng. Có khi chỉ xuất phát từ sai sót nhỏ của một trường nhưng lại ban hành cả văn bản đi ngược quy chế, gây rối hơn cho tình hình xét tuyển. Cụ thể là việc thu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, chủ trương xuyên suốt là TS nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường nhưng Bộ lại đột ngột cho phép TS được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ngay tại tuyến sở GD-ĐT. Thậm chí Bộ còn ban hành hướng dẫn các trường cách sắp xếp hồ sơ xét tuyển, trong khi việc này quá nhỏ nhặt và không cần thiết.
2. “Chết” vì phần mềm
Theo nhiều cán bộ tuyển sinh, phần mềm quốc gia cũng góp phần vào sự rắc rối của xét tuyển khi chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Ngay từ trước khi kỳ thi diễn ra, Bộ giới thiệu về phần mềm xét tuyển năm nay như một bước tiến mới sẽ giúp cho việc tuyển sinh của các trường thuận lợi hơn, quy củ hơn. Tuy nhiên, phần mềm này đã thể hiện nhiều sự bất cập khiến các trường và TS đau đầu.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, nhìn nhận: “Chính vì phải phụ thuộc vào phần mềm xét tuyển chung nên các trường khó chủ động trong việc xử lý dữ liệu. Lúc đầu tin tưởng phần mềm này sẽ có thể xử lý được việc xét 4 nguyện vọng, TS không đậu nguyện vọng này sẽ tự động chuyển sang nguyện vọng tiếp theo nhưng cuối cùng không được. Các trường buộc phải xây dựng thêm phần mềm xét tuyển riêng”.
Trưởng phòng đào tạo của một trường đại học cho hay, vì phần mềm của Bộ trên thực tế không đáp ứng được những lý thuyết về xét tuyển 4 nguyện vọng mà Bộ đưa ra nên trường phải viết thuật toán đảm bảo điều này rồi sau đó mới đưa thông tin lên cả dữ liệu chung lẫn dữ liệu riêng của trường.
Rất nhiều TS cho biết trong suốt 2 tuần đầu tiên hoàn toàn bị mất phương hướng do rất thiếu thông tin.
Trong quá trình xét tuyển, các trường cho biết Bộ liên tục gửi thư hướng dẫn các trường, thậm chí gửi giữa... đêm khuya. Điều đó chứng tỏ sự chuẩn bị chưa kỹ lưỡng.

Một giảng viên Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng phần mềm của Bộ còn nhiều khiếm khuyết. 

“Đã vậy, ban đầu Bộ còn không cho phép các trường công bố dự kiến điểm chuẩn theo diễn biến tình hình nộp hồ sơ của TS. Cũng may về sau Bộ đã nhận ra bất cập này nên lại yêu cầu các trường phải cập nhật dự kiến điểm chuẩn. Điều này chứng tỏ Bộ “vừa chạy vừa xếp hàng”.

3. Quy trình xét tuyển không hợp lý
Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó phòng Đào tạo Trường Đại học Ngân hàng TP HCM nhìn lại: “Quy trình, thứ tự, cách thức đăng ký xét tuyển, việc cho phép TS đăng ký 4 nguyện vọng, rồi lại có thể rút ra, nộp vào ngay trong đợt xét tuyển... đã gây rối loạn. Phụ huynh, TS mệt mỏi phải chầu chực ngày đêm để theo dõi cơ hội của mình”.
TS không thể xác định cơ hội trúng tuyển của mình đến đâu, bởi vì bất cứ lúc nào cũng có thể bị văng ra ngoài vì có những TS trượt ở nguyện vọng khác nhưng có số điểm cao hơn tự động nhảy vô danh sách.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam, tác giả nhiều bài viết liên quan đến giáo dục, cho rằng điều phi khoa học nhất trong phương án tuyển sinh năm nay là bắt TS chọn trường trước khi chọn ngành. Bộ cho TS chọn một trường, sau đó chọn 4 ngành trong khi lẽ ra phải cho các em chọn ngành trước, rồi mới chọn trường. 

Ông Đặng Minh Tuấn, Phó giám đốc khối phổ thông FPT, cũng nhận xét: “Vì có tới 4 nguyện vọng trong một trường vô tình đã khích lệ TS coi trọng việc đỗ ĐH, thay vì theo đuổi một nghề nghiệp mình thực sự yêu thích và đam mê”.

Chuyên gia đo lường GD-ĐT của một viện nghiên cứu nhận xét, điều bất cập ở đây là TS được tự do rút - nộp quá nhiều lần mà chủ yếu làm thủ công dẫn đến rối lại càng rối hơn. Ngoài ra, với 4 nguyện vọng của lần xét thứ nhất này sẽ làm con số ảo lên rất nhiều nếu các trường không có cách phân chia cho hợp lý ở các ngành theo thứ tự ưu tiên mà TS đã đăng ký.
Chuyên gia này cũng cảnh báo: “Nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan và đơn vị có thẩm quyền thì sẽ dễ xảy ra hiện tượng tiêu cực “hợp lệ” trong quá trình nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển khi mà có vài ngàn hồ sơ nộp vào cuối ngày 20.8. Không có cơ quan kiểm soát sẽ dẫn đến hiện tượng cán bộ thu nhận điều chỉnh hồ sơ đăng ký vào các ngành mà biết chắc chắn sẽ đỗ”.
4. Bộ ôm nên trường bị động
Theo thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc tư vấn tuyển sinh - truyền thông, Trường Đại học Hoa Sen, khó khăn đầu tiên của mùa tuyển sinh năm nay là các trường quá bị động. Bộ liên tục có chỉ đạo từ trên xuống với văn bản quá nhiều, khiến các trường hôm nay làm việc này, ngày mai lại làm cái khác. Trường vẫn phải thay đổi, đáp ứng theo yêu cầu của Bộ, trong khi vẫn phải đáp ứng tình hình tuyển sinh tại các trường.
“Khi Bộ đã đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, hãy để các trường tự quyết về phương án tuyển sinh của mình. Mỗi trường có một mô hình tuyển sinh khác nhau nên cần được tự quyết cách công nhận trúng tuyển, thời gian trúng tuyển... Năm nay Bộ “bấm nút” các trường mới được chạy, rồi Bộ “thổi còi” các trường phải dừng lại”, ông Bình nói.
5. Thông tin ở các trường không rõ ràng

Theo quy định của Bộ, các trường phải công bố rõ chỉ tiêu của từng tổ hợp môn. TS phải được biết mình đứng thứ bao nhiêu trong tổ hợp môn mình đăng ký. Thế nhưng hầu hết cả trường chỉ có chỉ tiêu ngành. 

Nhiều phụ huynh gần như trong tình trạng tuyệt vọng, cho biết trường không công bố cụ thể chỉ tiêu của khối xét tuyển nên phụ huynh không biết con mình đang ở vị trí nào, có an toàn hay không. Rất nhiều TS truy cập vào các website để xem thông tin, nhưng hoặc là không biết danh sách nằm ở đâu, hoặc là dữ liệu quá chung chung.

Bên cạnh đó còn diễn ra tình trạng TS rút hồ sơ nhưng trường không chịu xóa trên dữ liệu, khi TS nộp trường khác thì trường này không thể đưa thông tin của TS lên phần mềm chung của Bộ.../.