- Tự đốt xe máy để chiếm đoạt tài sản
- Xe Future Neo đang chạy bỗng dưng bốc cháy
- Thêm 2 xe bốc cháy tại Tiền Giang
- Xe Dylan cháy dữ dội ở TP Huế
- Bốc cháy khi đang chạy, xe khách bị thiêu rụi hoàn toàn
Theo số liệu thống kê, trong hai năm 2010 và 2011, trên toàn quốc đã xảy ra 324 vụ cháy xe ô tô và xe máy. Các cơ quan chức năng đã làm rõ nguyên nhân của 209 vụ, trong đó nguyên nhân gây cháy do nhiên liệu chỉ chiếm 30%.
Trong những tháng đầu năm 2012, hình ảnh xe bốc cháy lại xuất hiệp khắp mọi nơi với một tỷ lệ đáng lo ngại. Với ô tô, từ siêu xe thuộc các hãng danh tiếng như Mercedes, Luxus, Toyota đến Kiamorning… đã bị “bà hỏa” ghé thăm. Còn xe máy, có thể khẳng định hầu hết xe của các hãng đều đã bốc lửa.
Một trong những nguyên nhân được nhiều người quan tâm là chất lượng xăng dầu, vừa được cơ quan chức năng loại bỏ. Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm - Hàng hóa, Bộ KH&CN khẳng định, xăng không phải là nguyên nhân gây cháy xe. Kết luận này được đưa ra sau khi cơ quan này tiến hành lấy mẫu để kiểm nghiệm, và hầu hết các mẫu xăng, dầu được lấy từ các xe bị cháy, cây xăng xe cháy đã mua hoặc khu vực xe cháy thường xuyên mua xăng.
Cũng theo cơ quan này, các mẫu xăng, dầu khi đưa đi kiểm nghiệm đều được phân tích từ 2 - 6 chỉ tiêu. Các yếu tố có nguy cơ cao gây cháy xe trong xăng được dư luận đặt ra như metanol, ethanol đều không được xác định. Các bằng chứng khoa học trên cho thấy, các nghi ngờ trước đây về xăng chứa phụ gia, chất lượng kém làm cháy xe hoàn toàn có thể bị bác bỏ.
Nguyên nhân bị nghi ngờ nhiều nhất, giờ đã được loại bỏ. Nhưng đối với người dân, họ có quyền yêu cầu được làm rõ, xe cháy liên tục là do đâu? Nhiều chuyên gia đã phân tích, các nhà chuyên môn cũng đã nêu ý kiến của mình, một số cuộc hội thảo về nguyên nhân gây cháy xe cũng đã diễn ra. Tuy nhiên, kết luận được đề cập đến nhiều nhất, lại khiến người dân chưng hửng, rằng xe cháy do… tổng hợp nhiều yếu tố!
Có người còn lấy ví dụ “sinh động”, rằng ở Mỹ, cứ 1000 xe có 1 xe bị cháy, còn ở Việt Nam, tỷ lệ đó là 1/500.000. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, tình trạng xe tự bốc cháy sẽ vẫn xảy ra. Còn giải pháp giảm thiểu số vụ xe cháy, không nói ai cũng hiểu là phải chờ, vì đã tìm ra nguyên nhân chính, nguyên nhân chủ yếu đâu mà có giải pháp?
Tuy vậy, có mấy vấn đề không thể không nhắc đến sau những “biến cố” cháy xe thời gian qua.
Có ý kiến cho rằng, một trong những căn nguyên dẫn đến cháy xe đó là người sử dụng xe chưa có kiến thức về phương tiện bản thân đang sử dụng, không có thói quen đi bảo dưỡng định kỳ. Thêm vào đó, đội ngũ sửa chữa, bảo dưỡng xe yếu kém cũng có thể là một trong những tác nhân chính góp phần gây cháy xe.
Có thể nói, “nguyên nhân” trên không hề sai, nhưng lại chẳng mấy thuyết phục. Bởi lẽ, người dân cho rằng, trước giờ họ vẫn sử dụng nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra. Nếu có, cũng rất hạn hữu, nay bỗng dưng xe cháy thành… điệp khúc. Chắc phải do yếu tố khác?
Một nguyên nhân nữa được đề cập đến, đó là thời tiết nóng ẩm của Việt Nam cùng với… tắc đường khiến khoang động cơ thường hay bị quá nhiệt. Vì các hệ thống dây điện, rơle, tiếp điểm, bộ phận sạc cần có đủ độ bền nhiệt và khả năng làm việc an toàn, hệ thống lưu thông khí cần lường trước được vấn đề quá nhiệt.
Nếu nói vậy thì người dân chẳng còn biết bấu víu vào đâu. Bởi lẽ, chẳng ai thay đổi được thời tiết ở Việt Nam (cho dù là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu), và ùn tắc giao thông vẫn là bài toán lớn chưa có lời giải. Chẳng nhẽ phải chờ hết tắc đường mới giảm cháy xe?
Trong khi đó, nguyên nhân cháy xe do xăng vừa được loại bỏ. Như vậy, sau một thời gian điều tra, phân tích, nguyên nhân gây cháy xe vẫn chưa được xác định cụ thể. Đáng lo hơn, khi có ý kiến cho rằng việc giảm tỷ lệ cháy xe trong thời gian tới là điều rất khó, vì nguyên nhân gây cháy xuất phát từ nhiều phía.
Về phía người dân, chẳng còn cách nào khác là ngậm ngùi nhìn tài sản của mình bị thiêu rụi (và còn bị thiêu rụi), cũng như thấp thỏm khi tính mạng có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Song chắc họ cũng hy vọng, cơ quan chức năng sớm chứng minh, xe cháy không phải do nguyên nhân từ… siêu nhiên!./.