Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực là một trong những hướng ưu tiên trong quan hệ Việt - Lào. Mục tiêu này được đề ra tại kỳ họp lần thứ 35 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào diễn ra từ ngày 14-19/12, tại tỉnh Vĩnh Phúc. Cho đến thời điểm hiện tại, gần 6.500 du học sinh Lào đang được đào tạo tại Việt Nam.
Du học sinh Lào tại Việt Nam (Ảnh: báo Thái Nguyên) |
Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục hai nước, lĩnh vực hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Lào đang được nâng cao về số lượng và chất lượng. Năm 2012, Chính phủ Việt Nam dành cho nước bạn Lào 750 suất học bổng và dự kiến năm 2013, con số này là 825 suất. Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ Lào bằng nhiều hình thức như cung cấp học bổng, cử giáo viên, chuyên gia dạy tiếng Việt và các môn khoa học khác, giúp Lào đào tạo giáo viên, in sách giáo khoa, xây dựng khoa tiếng Việt tại Đại học quốc gia Lào, giúp đỡ nước bạn về cơ sở vật chất giảng dạy. Hiện nay, gần 6.500 cán bộ, học sinh Lào đang học tập tại các cơ sở đào tạo tại Việt Nam theo các học bổng của Chính phủ, học bổng của các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức cũng như du học tự túc. Theo ông Phạm Chí Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hợp tác về giáo dục có ý nghĩa rất lớn nhằm giúp nước bạn Lào phát triển nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Để nâng cao chất lượng đào tạo, ông Phạm Chí Cường cho rằng cần nâng cao chất lượng đầu vào. Tất cả các lưu học sinh Lào phải chuẩn bị tiếng Việt và được Bộ Giáo dục Lào giấy xác nhận về trình độ tiếng Việt và có đủ hồ sơ trước khi sang du học tại Việt Nam. "Năm 2013 này chúng tôi sẽ hoàn thành khoa tiếng Việt tại trường Đại học quốc gia Lào và bắt đầu phía Lào đào tạo, chúng tôi sẽ giúp đỡ họ về phương pháp giảng dạy, kiểm tra đầu vào thế nào rồi tất cả những vấn đề liên quan đến đào tạo tiếng Việt", ông Cường cho biết.
Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên đào tạo bồi dưỡng cán bộ chính trị, cán bộ quản lý các cấp, bậc học, cán bộ khoa học kỹ thuật, giảng viên trẻ trong các trường đại học, học viện, cao đẳng, cán bộ địa phương thuộc khu vực Tam giác phát triển ba nước Campuchia – Lào - Việt Nam và các tỉnh có biên giới với Việt Nam./.