Chiều 6/9, bảng xếp hạng đại học do một một nhóm chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý nhà nước tiến hành chính thức được công bố.
Đây là lần đầu công bố, nhóm đã xếp hạng 49 trường đại học có đầy đủ thông tin nhất trong số dữ liệu hơn 100 trường mà Nhóm thu thập được từ năm 2014.
Điều bất ngờ trong bảng xếp hạng là các trường đại học thuộc khối kinh tế có tiếng đều có xếp hạng trung bình mặc dù các cơ sở giáo dục đại học này đều có điểm thi đầu vào luôn thuộc top 10-30% của phổ điểm, sinh viên năng động, ra trường dễ kiếm được việc làm và được nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Trường Đại học Ngoại thương chỉ đứng ở vị trí giữa (thứ 23), cao hơn một chút so với các trường cùng ngành khác là trường Đại học Thương mại (thứ 29), trường Đại học Kinh tế Quốc dân (thứ 30) và Học viện Tài chính (thứ 40).
Giải thích về việc xếp hạng trên, TS Lưu Quang Hưng, nhà nghiên cứu làm việc tại Melbourne, Australia (chủ biên báo cáo xếp hạng) cho biết, nguyên nhân chủ yếu là sự hiện diện của các trường này trên các ấn phẩm khoa học quốc tế còn mờ nhạt, đồng thời có thể quy mô đào tạo lớn hơn so với năng lực đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ (đo bằng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên sinh viên). Đó là những rào cản và thách thức cho những nỗ lực cải cách của các trường này trong thời gian tới.
Bảng xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam |
Bên cạnh việc xếp hạng các trường đại học thuộc khối kinh tế, các đại học quốc gia và đại học vùng có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng. Ba trong tổng số 5 trường top đầu là các đại học quốc gia và vùng ở trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước là Đại học Quốc gia Hà Nội (đứng số 1), Đại học Đà Nẵng (thứ 4) và Đại học Quốc gia TP HCM (số 5).
Hai đại học vùng còn lại là Đại học Huế và Đại học Thái Nguyên đều thuộc top trên của bảng xếp hạng (thứ tự là 8 và 17). Các cơ sở giáo dục đại học này từ lâu được biết đến không chỉ bởi quy mô đào tạo và đội ngũ cán bộ có trình độ, mà còn bởi những đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu khoa học.
Sự góp mặt trong Top 10 trường hàng đầu không thể thiếu các đại học lớn khác là Học viện Nông nghiệp (thứ 3), Đại học Cần Thơ (thứ 6), Đại học Bách khoa Hà Nội (thứ 7) và Đại học Sư phạm Hà Nội (thứ 10). So với các đại học quốc gia và đại học vùng ở trên, các cơ sở giáo dục đại học này cũng có quy mô đào tạo khá lớn, đội ngũ cán bộ đông đảo và nhiều nghiên cứu khoa học có chất lượng.
Điều gây ngạc nhiên là một số trường đại học trẻ, ít được biết đến hơn lại chiếm lĩnh vị trí cao trong bảng xếp hạng. Trường Đại học Tôn Đức Thắng vươn lên đứng thứ 2 về tổng thể, chỉ sau Đại học Quốc gia Hà Nội . Điều này có được là do thành tích vượt trội về công bố quốc tế, phản ánh thành quả của chính sách khuyến khích các tác giả trong và ngoài nước tham gia hợp tác để có ấn phẩm quốc tế đứng tên trường. Một trường khác là Đại học Duy Tân cũng có những đầu tư bài bản để vươn lên thứ hạng cao (9), chủ yếu là nhờ thành tích trong công bố quốc tế (thứ 3).
Theo TS Lưu Quang Hưng, việc xếp hạng trên cho thấy, các đại học lớn và lịch sử lâu đời đều có vị trị cao hơn trong bảng xếp hạng này. Tuy nhiên, các đại học trẻ hơn đang vươn lên ngày một mạnh mẽ nhờ sự đóng góp đáng kể đến từ đầu ra của nghiên cứu khoa học . Điều này cho thấy sự đúng đắn của việc đầu tư xứng đáng vào nghiên cứu khoa học.
Còn đối với các cơ sở giáo dục đại học lớn không nên chỉ dựa vào ánh hào quang “truyền thống”, mà cần đầu tư bài bản và chiều sâu hơn nữa vào nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng giảng dạy, nếu như không muốn bị nhanh chóng bị vượt qua trong bối cảnh xã hội có nhiều đổi thay.
Thông tin thêm tại buổi công bố bảng xếp hạng, TS Giáp Văn Dương, nhà nghiên cứu độc lập, đề xuất dự án xếp hạng cho biết, so với một số xếp hạng do các tổ chức quốc tế đánh giá về một số trường đại học Việt Nam thì bảng xếp hạng này có tính cách toàn diện hơn. Một số bảng xếp hạng quốc tế lại chỉ điểm qua một vài trường lớn, vì thế không vẽ ra được bức tranh lớn về đánh giá xếp hạng các đại học Việt Nam.
Nhóm cũng lường trước là việc công bố bảng xếp hạng đại học có thể gặp phải những phản ứng từ các trường hoặc xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi minh bạch trong tiêu chí xếp hạng, sử dụng số liệu công khai, kiểm chứng được, lại tuân thủ các nguyên tắc độc lập, khách quan, minh bạch, có tính cách khoa học, nên cũng không có gì lo ngại.
“Đối với nhóm, đây là dự án độc lập và vô vị lợi, triển khai dựa trên công sức cá nhân của các thành viên, nên không có sự thiên vị trong đánh giá. Điều đó làm chúng tôi cảm thấy yên tâm khi công bố. Nếu cần thiết, chúng tôi sẵn sàng trao đổi để làm rõ những điều còn chưa rõ”- TS Giáp Văn Dương chia sẻ./.
Lần đầu tiên công bố xếp hạng trường đại học top đầu Việt Nam
Tiến sĩ nhiều nhưng giảng dạy ở các trường đại học còn thấp