Hiện nay, nhiều trường sư phạm, đặc biệt là các trường cao đẳng sư phạm của các địa phương đang đứng trước nguy cơ đóng cửa do khó tuyển sinh. Minh chứng gần nhất là câu chuyện của nhiều giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai phải đi biệt phái. Để giải quyết khủng hoảng nhân sự khi trường tuyển sinh khó khăn, Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo trường cử 28 giảng viên đi biệt phái dạy ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, trong mùa tuyển sinh năm 2019, trường này cũng đã phải buộc nâng điểm chuẩn một số ngành để đánh trượt thí sinh, do số lượng hồ sơ nộp vào quá ít, chỉ 1-2 em, không đủ tiêu chuẩn mở lớp đào tạo.
Giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai phải đi biệt phái vì trường khó tuyển sinh. (Ảnh: Báo Gia Lai) |
Khó khăn tuyển sinh không chỉ là chuyện riêng của trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai mà là bức tranh chung của nhiều trường trên cả nước. Bà Lê Thị Ngoãn, trường CĐSP Nam Định cũng cho biết, tại trường năm học 2018-2019, khoa Tự nhiên có 16 giáo viên, nhưng chỉ có 30 sinh viên. Những ngành học tại Khoa Xã hội của trường cũng chung cảnh tượng hẩm hiu. Đặc biệt, lớp Âm nhạc chỉ có 1 sinh viên. Bà Ngoãn cho biết, trong tương lai, nếu không còn sinh viên theo học nữa, một số ngành của trường sẽ đứng trước nguy cơ tan rã.
Hướng đi nào cho các trường sư phạm?
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng, nếu các trường sư phạm tại địa phương mỗi khóa chỉ tuyển được vài em thì rất khó để mở lớp và duy trì hoạt động của trường.
“Các trường sư phạm hiện nay có chất lượng không đồng đều. Nhưng dù có nâng cao chất lượng đào tạo các trường, mà không giải quyết được khâu cung-cầu thì vẫn dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười như trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai. Tới đây, Bộ cần giải quyết thế nào để đảm bảo chắc chắn rằng sinh viên sư phạm ra trường có việc làm. Như các ngành công an, quân đội, dù điểm đầu vào rất cao, nhưng sinh viên vẫn đua nhau thi vào vì biết chắc ra trường có việc làm, chế độ đãi ngộ tốt. Chúng ta chưa thể trông chờ rằng chế độ đãi ngộ của ngành sư phạm được như các ngành trên, nhưng vấn đề đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp thì hoàn toàn có thể làm được. Hiện nay việc giao chỉ tiêu cho các trường vẫn vô tội vạ nên mới có trường thừa, trường thiếu, dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp cao”, TS Khuyến trăn trở.
Để làm được việc này, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, Bộ GD-ĐT cần làm tốt công tác dự báo nhu cầu nhân lực ngành sư phạm tại các địa phương. Theo đó, các địa phương cần thống kế, dự báo nhu cầu giáo viên từng năm. Bộ GD-ĐT cũng nên giao trách nhiệm cho các địa phương trong việc đảm bảo đặt hàng đào tạo với các trường sư phạm và chịu trách nhiệm phân bổ, sắp xếp việc làm cho sinh viên vào cơ sở sau khi tốt nghiệp.
“Việc này không khó, nhưng do năng lực của ta kém, nên vẫn chưa làm được. Hơn nữa, công tác quản lý còn thiếu thống nhất, Bộ GD-ĐT phụ trách về đào tạo, phân công công việc lại thuộc Bộ Nội vụ, địa phương đặt hàng nhưng đến khi đào tạo xong lại không nhận. Đây là vấn đề quản lý nhà nước yếu kém, dẫn đến tình trạng sinh viên sư phạm sống dở chết dở. Việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm cũng cần có những giải pháp cụ thể thay vì hô khẩu hiệu”.
Bên cạnh đó, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, Bộ GD-ĐT cần đẩy nhanh quá trình quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, tiến hành giải thể hoặc sáp nhập các trường sư phạm không đạt chuẩn, hoạt động kém hiệu quả. Để làm được điều này, Bộ cần thường xuyên tiến hành các hoạt động kiểm tra đánh giá, siết lại chất lượng các trường.
“Bộ GD-ĐT cũng đã đưa ra đề án quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, tuy nhiên nếu theo Bộ, sẽ đưa về cả nước chỉ còn 2 trường sư phạm trọng điểm, những trường khác sẽ biến thành phân hiệu của trường này, hoặc không giao cho nhiệm vụ đào tạo giáo viên nữa mà chỉ cho bồi dưỡng giáo viên. Điều này không ổn. Vì nếu cả nước chỉ có 2 trường trọng điểm, thì sẽ không thể đào tạo đủ số lượng giáo viên đáp ứng nhu cầu của hàng triệu học sinh. Quy mô giáo viên biến động. Hiện nay số lượng giáo viên nhiều, nhu cầu không cao, nhưng đến một thời điểm khi nhu cầu giáo viên tăng cao, mà ta đã vội giải tán hết các trường thì khi cần không thể thành lập ngay được”, TS Khuyến nói.
TS Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, việc đào tạo giáo viên không nhất thiết diễn ra tại các trường sư phạm. Với giáo viên các bộ môn như mỹ thuật, âm nhạc, tin học, giáo dục thể chất, công nghệ... nếu đào tạo trong các trường sư phạm, sẽ phải thành lập khoa chuyên môn, yêu cầu cao về cơ sở vật chất. Tuy nhiên nếu mở khoa sư phạm tại các trường đa ngành khác sẽ tiết kiệm chi phí hơn nhiều.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, xu hướng của các nước trên thế giới, khi sáp nhập các trường nhỏ vào các trường lớn sẽ giúp các trường này mạnh lên, tuy nhiên, ở Việt Nam, nếu làm không cẩn thận sẽ biến thành xóa sổ các trường nhỏ.
“Bộ GD-ĐT một mặt cần củng cố đầu tư cho các trường sư phạm mạnh lên. Trường nào hoạt động kém hiệu quả thì cần rà soát lại không cho đào tạo nữa. Bên cạnh đó, nếu giải thể, sáp nhập các trường cũng cần tính đến phương án giải quyết công ăn việc làm cho các giảng viên hiện có tại trường, biến các trường này thành trường nghề, trường thực hành hay trung tâm bồi dưỡng đào tạo lại...”, PGS Nghiêm Đình Vỳ nói./.
Nghịch lý ngành sư phạm
Tuyển sinh Y Dược, Sư phạm: Không được hạ điểm sàn “vơ bèo vạt tép“