Còn khoảng hơn 2 tháng nữa mới đến mùa tuyển sinh vào lớp 1, nhưng tại các đô thị lớn, “cuộc chạy đua nóng bỏng” vào lớp 1 của các bé đã ở giai đoạn nước rút. Nhiều bé dù chưa đi học nhưng đã phải thử nghiệm thi tuyển vào 4-5 trường khác nhau.
Căng thẳng “vượt rào” vào lớp 1
Quy định tuyển sinh vào trường tiểu học là cấm mọi hình thức thi cử nên có trường thì gọi là “đo nghiệm”, trường thì gọi là “kiểm tra trắc nghiệm”... Tuy nhiên, các bé đều phải trải qua một cuộc tuyển chọn khá căng thẳng, từ cân nặng, chiều cao đến khả năng học tập.
Hà Nội có tới chục trường tiểu học tư thục tuyển sinh lớp 1 bằng hình thức thi tuyển như: Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Lý Thái Tổ… Do số học sinh đăng ký vào đây đông gấp nhiều lần so với chỉ tiêu nên các trường phải tổ chức thi tuyển hay chỉ là một cuộc kiểm tra đầu vào nhằm loại bớt số HS vượt chỉ tiêu. Để con được vào học các trường tư này, nhiều phụ huynh đã bắt con tham gia “chiến dịch” thi tuyển tới 4-5 trường, để “thử sức”, lấy “kinh nghiệm” trường thi cho bé.
Năm học này, trường tiểu học Nguyễn Siêu tổ chức thi tuyển sớm nhất. Các bé lớp 1 được triệu tập đến trường trong vòng một ngày. Ngoài việc phải vượt qua các bài kiểm tra liên quan đến nhận biết về ngôn ngữ (tiếng Việt), tư duy toán học, tiếng Anh, kiểm tra năng lực quan sát, ghi nhớ, diễn đạt, trẻ phải qua phần kiểm tra sức khỏe (cân nặng), không bị dị tật, không nói ngọng, nói lắp. Trong một ngày tại trường, khi trẻ ăn, ngủ, chơi, giao lưu, cũng là lúc hội đồng tuyển sinh tiếp tục quan sát để “chấm điểm”.
Phụ huynh nộp hồ sơ vào lớp 1 cho con tại trường tiểu học Kim Đồng, Hà Nội |
Nhìn vào tỷ lệ chọi của các trường sẽ thấy ngay sự gay cấn chẳng kém gì các sĩ tử thi đại học. Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm năm nay chỉ tuyển 400 học sinh, nhưng số lượng trẻ đăng ký vào lớp ôn luyện của trường này để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh ngày 28/5 đã lên đến 900 trẻ. Như vậy, sẽ có tới 500 trẻ bị loại khỏi cuộc đua gay cấn này. Điều này không chỉ gây áp lực cho bé mà cả bố mẹ bé. Trường tiểu học Thực nghiệm có chỉ tiêu 180 học sinh nhưng đã có 600 đơn tuyển sinh được bán ra.
Thực tế nhiều bậc phụ huynh coi những cuộc sát hạch này là để con quen với tâm lý thi cử và biết “sức” con của mình tới đâu. Đáng lo là việc phải đối mặt với nhiều cuộc thi sẽ khiến trẻ phải chịu áp lực lớn, căng thẳng, mệt mỏi không đáng có. Nếu “thi trượt” thì đó có thể coi như “đòn phủ đầu” khiến trẻ mất tự tin, mặc cảm khi cảm thấy thua kém bạn bè dù chưa vào lớp 1.
1001 chiêu “chạy” trường
Để cho con được vào học trường ưng ý, các bậc phụ huynh có hàng trăm kiểu “lách luật”, những “chiêu” có hiệu quả được nhiều phụ huynh sử dụng nhất là: “chạy” hộ khẩu, nhờ người quen, “chạy” tiền, gửi gắm giáo viên ở trường. Anh Nguyễn Anh Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Để “chạy” cho con vào trường điểm của quận Hoàn Kiếm (gần cơ quan anh), từ năm ngoái anh chị đã mất bao công sức, tiền bạc để tìm người quen nhờ họ nhập hộ khẩu cho bé và mẹ vào quận Hoàn Kiếm. Đến năm học này, anh chị ung dung tưởng con vào được trường nhưng giờ lại “té ngửa” là con vẫn thiếu tiêu chuẩn do nhập hộ khẩu chưa đủ 2 năm. Giờ anh chị nóng ruột như “ngồi trên lửa” vì “đi cũng dở mà ở không xong”.
Trên các diễn đàn, việc mua bán suất cũng khá rầm rộ: “cần nhượng một suất xin vào lớp 1 trường tiểu học T.V”, “suất học cho bé vào lớp 1 trường Tr.A”, “có một suất vào trường tiểu học NTC, lớp chọn”... và hàng trăm các chia sẻ của các bậc phụ huynh về kinh nghiệm “chạy” trường cho thấy việc “chạy trường” vào lớp 1 cho con đang là đề tài “nóng bỏng” của nhiều phụ huynh. Còn giá cả của việc “chạy” trường chỉ nghe thôi cũng đã thấy chóng mặt.
Theo giới chuyên môn, để giải quyết vấn đề “chạy” trường cần hai yếu tố. Thứ nhất là đảm bảo chất lượng giữa các trường và thứ hai là tuyên truyền để phụ huynh hiểu các trường con mình được học đúng tuyến. Bên cạnh đó, cần có những quy định khắt khe trong khâu tuyển sinh trái tuyến./.