"Một kỳ em học khoảng 5 triệu, một năm khoảng 10 triệu. Các trường tự chủ em thấy đối với sinh viên, khi mà học ở bất kỳ trường nào, điều kiện học tập ở các trường thì em không rõ lắm, nhưng nếu tăng học phí lên cao quá sẽ gây khó khăn cho sinh viên".

" Em nghĩ là cũng hợp lý thôi vì họ cần đầu tư nhiều chi phí cho học tập mà họ tự chủ, không được hỗ trợ của nhà nước, hay một cơ quan nào cả. Việc đầu tư tăng học phí để chất lượng, cơ sở vật chất được tăng thêm, đội ngũ giáo viên được tăng thêm thì cũng hợp lý, nhưng mà đừng tăng nhiều quá".

Đó là những chia sẻ của sinh viên một số trường đại học ở Hà Nội về vấn đề học phí khi các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ. Theo đó, các trường đại học thực hiện tự chủ thì việc tăng học phí là điều tất yếu sẽ xảy ra bởi hiện hơn 80% nguồn thu của các trường là từ học phí, lệ phí.

Theo Tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học FPT, có 3 chủ thể cần quan tâm khi các trường đại học thực hiện tự chủ đó là cơ quan quản lý nhà nước, các trường và người học. Nếu cơ quan quản lý và nhà trường thực hiện không tốt, dễ dẫn đến việc người học hiểu tự chủ có nghĩa là phải đóng học phí nhiều hơn mà không nhìn thấy những lợi ích của tự chủ đại học mang lại.

"Chúng tôi nghĩ trách nhiệm giải trình quan trọng nhất, chính là giải trình cho người học- là các đối tượng thụ hưởng là sẽ có những thay đổi khi triển khai tự chủ. Những thay đổi này nó mang lại lợi ích gì cho người học. Có thể người học sẽ phải đóng nhiều hơn, nhưng cái quan trọng nhất là lợi ích của người ta sẽ nhiều hơn cái mà người ta phải đóng. Trong thời gian vừa qua, chúng ta làm nói chung rất yếu, xoay quanh những chuyện là tự chủ, tức là đảm bảo tự chi thường xuyên, đảm bảo tự đầu tư… không nhìn thấy người học ở đâu cả, đứng đằng sau người học là phụ huynh, là cả xã hội nhìn vào", Tiến sỹ Lê Trường Tùng nói.

Theo lộ trình, các trường đại học sau khi đủ điều kiện tự chủ sẽ tự xác định mức học phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo, nên dự báo mức học phí đại học trong thời gian tới có thể sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Trong năm học 2020-2021 này, các trường đại học công lập tự chủ thực hiện thu học phí trong khoảng 20,5 triệu đồng đến 50,5 triệu đồng một năm, cao gấp từ 2 đến 3,5 lần so với mức trần học phí chương trình tương đương tại trường chưa tự chủ.

Phó Giáo sư- Tiến sỹ Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, vấn đề tăng học phí chính là một trong những tác động tiêu cực khi các trường đại học tự chủ: "Tự chủ đại học gắn liền với tự chủ tài chính và các cơ sở giáo dục đại học sẽ chỉ chú trọng nhiều đến việc tự chủ tài chính và bằng mọi giá tăng nguồn thu từ học phí. Điều đó sẽ dẫn đến bất bình đẳng và hạn chế các cơ hội học tập của những người nghèo. Hay là có sự gia tăng sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở cùng ngành đào tạo, cùng một lĩnh vực đào tạo. Để giảm chi phí thì họ sẵn sàng là giảm chất lượng hay sử dụng quá công năng cơ sở vật chất và tất cả những điều đó nó sẽ tạo rào cản để không để khó có thể thực thi các quy định về tự chủ đại học".

Nhiều ý kiến cho rằng, để tính học phí thì cần dựa vào chi phí đào tạo một sinh viên, nhưng hiện không có cơ quan nào hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học về cách tính. Về định mức kinh tế - kỹ thuật (trong quy định được Bộ GD-ĐT hướng dẫn các trường từ năm 2014) nhưng rất khó để áp dụng trong tình hình thực tiễn hiện nay. Trong thời điểm mới áp dụng tự chủ học phí, việc một số trường tùy tiện đưa ra mức học phí là khó tránh khỏi. Vì vậy, các cơ quan quản lý theo dõi sát và yêu cầu các trường giải trình nếu có dấu hiệu tiêu cực và xử lý nếu cần thiết để tạo niềm tin cho người học./.