Từ đầu năm học này, những bất cập về lạm thu ở trường công, học phí tăng mạnh ở trường tư đã trở thành những vấn đề thời sự nóng bỏng được phụ huynh, học sinh, dư luận xã hội cả nước quan tâm. Đặc biệt là khi có những xung đột đã xảy ra trong hệ thống trường tư, giữa mối quan hệ thỏa thuận thị trường và sự đặc thù trong lĩnh vực giáo dục.

Phải nói rằng, hệ thống trường phổ thông ngoài công lập ra đời và phát triển mạnh mẽ đã góp phần đáng kể vào việc giảm áp lực cho ngân sách quốc gia, song thực tiễn vừa qua đã đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết, đặc biệt là khi xung đột xảy ra như vấn đề tăng học phí giữa nhà trường và phụ huynh thì cần phải có cơ chế giải quyết như thế nào?

Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT trả lời xung quanh vấn đề này.

Phụ huynh cần tìm hiểu rõ, nhà trường cũng cần giữ uy tín

PV: Ông có đánh giá như thế nào về tác động của hệ thống trường phổ thông ngoài công lập hiện nay?

Ông Trần Tú Khánh: Hiện nay, Nhà nước đang có nhiều chính sách huy động nguồn lực ngoài xã hội để đầu tư cho giáo dục. Với khả năng ngân sách còn hạn chế như ở Việt Nam hiện nay thì điều này là rất cần thiết.

Chúng tôi cũng đã ghi nhận được rất nhiều kết quả, đặc biệt là việc ra đời nhiều trường ngoài công lập chất lượng cao ở khu vực dân số đông như ở các thành phố lớn.

Tuy nhiên, qua một giai đoạn phát triển của các trường ngoài công lập, chúng tôi cũng nhận thấy có một số vấn đề đã phát sinh ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục, gây bất bình trong dư luận xã hội.

tang_hoc_phi_obmp.jpg
Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- tài chính, Bộ GD-ĐT

PV:Thưa ông, vấn đề lạm thu trong trường công đã được báo chí nói nhiều nhưng gần đây, lại xuất hiện việc tăng mạnh học phí ở trường tư. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

Ông Trần Tú Khánh: Về vấn đề này, hiện nay, Bộ GD-ĐT có Thông tư 09/2009 quy định các trường ngoài công lập phải công khai các mức thu học phí theo năm và công khai cả dự kiến các mức thu cho cả quá trình đào tạo. Tuy nhiên, thực hiện việc này, có nhiều trường công khai học phí chưa cụ thể, rõ ràng, dẫn tới tình trạng khi học sinh vào học thì gặp chuyện năm sau tăng học phí. Điều này đã dẫn tới sự bất bình trong phụ huynh, học sinh.

Đối với riêng vấn đề học phí theo Khoản 2, Điều 105 của Luật Giáo dục, các cơ sở giáo dục được tự xây dựng và xác định học phí, tùy thuộc vào cơ sở vật chất và phương pháp đào tạo, đặc biệt là vào chất lượng đào tạo.

Phụ huynh học sinh cũng cần tìm hiểu thật rõ trước khi cho con em mình vào học ở trường tư như vậy, để làm sao mang tính thỏa thuận chứ không phải chấp thuận.

Đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, họ bỏ ra chi phí lớn để có một dịch vụ tốt nhất thì họ sẽ có một mức thu phù hợp để đảm bảo duy trì hoạt động. 

Nhưng, có một nguyên tắc cần đảm bảo là các trường phải giữ được uy tín. Nếu chất lượng không tốt, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giáo viên không tốt mà lại đưa ra một mức thu học phí cao thì là nguy hại cho sự tồn tại của trường, bởi những việc như thay đổi mức thu liên tục trong quá trình đào tạo.

PV: Rõ ràng phụ huynh cần phải tìm hiểu kỹ trước khi cho con vào học trường tư, nhưng trong mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh, học sinh thì có thể thấy trường ở thế chủ động, còn phụ huynh, học sinh gánh chịu nhiều rủi ro, thiệt thòi. Ông có nghĩ như vậy?

Ông Trần Tú Khánh: Đúng là thực ra nếu có mức tăng học phí và khả năng tài chính của phụ huynh không đáp ứng thì sẽ xảy ra những hệ lụy rất căng thẳng cho phụ huynh, học sinh.

Một số trường cho rằng, phụ huynh nếu không đáp ứng được thì có thể chọn hình thức chuyển trường khác cho phù hợp (kể cả trường công hay bán công như Trường THPT thực hành Cao Nguyên, Đắk Lắk- PV).

Quan điểm như vậy của các cơ sở giáo dục là không đúng với quan điểm của ngành giáo dục. Bởi giáo dục là một dịch vụ đặc thù, tính nhân văn rất cao. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư mang tính công ích, xã hội.

Vậy thì, việc tăng học phí làm sao để cho người dân, phụ huynh học sinh chấp thuận là một vấn đề cần phải quan tâm hàng đầu, đặc biệt, đây cũng là việc quyết định đến sự tồn vong của nhà trường. 

Nhà trường phải có lộ trình phù hợp cả về đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, phương pháp giảng dạy và tất cả các điều kiện để phục vụ cho chất lượng đào tạo. Nhưng không phải là đầu tư vào rồi, lại tăng đột biến học phí cho học sinh, dẫn tới tình trạng phụ huynh không đáp ứng được, phải chuyển trường cho con.

Thậm chí tôi biết, có những trường hợp, phụ huynh còn phải chuyển cả nhà. Đây là những vấn đề rất bất cập trong giai đoạn hiện nay.

Phải tránh tăng đột biến học phí

PV:Nói đến câu chuyện này, có những trường hợp không phải là tăng học phí theo nghĩa đơn thuần, tăng trên nền tảng hệ đào tạo cũ mà tăng vì cải cách, thay đổi mô hình hệ đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục, là một lý do khá chính đáng. Tuy nhiên, rốt cục, điều này vẫn là ảnh hưởng tới phụ huynh học sinh. Ông nghĩ thế nào về việc tăng học phí với cách thức như vậy?

Ông Trần Tú Khánh: Một số trường ngoài công lập lấy lý do tăng học phí là vì thay đổi phương thức đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, giáo dục học liệu để tăng chất lượng. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là cần có lộ trình tăng phù hợp, phân bổ chi phí hợp lý, tránh việc tăng đột biến học phí đối với người học.

Tuy nhiên, đối với các trường ngoài công lập thì không có chế tài để xử lý vấn đề này. Cơ quan quản lý, theo Nghị định 115 phân cấp về các địa phương, giám sát việc công khai các mức thu hàng năm và lộ trình học phí. Đặc biệt là khi phê duyệt đề án xin phép thành lập các cơ sở này thì yêu cầu các chủ đầu tư và các tổ chức doanh nghiệp cam kết rõ ràng. Khi đầu tư giáo dục cần cam kết trách nhiệm xã hội như thế nào, đặc biệt cam kết về vấn đề tài chính và học phí.

Hàng năm, Bộ GD-ĐT cũng đã có các văn bản chỉ đạo giám sát và đề nghị các cơ sở này cần có mức tăng học phí phù hợp, công khai, không đột biến, dẫn tới gánh nặng tài chính đối với học sinh, phụ huynh trong công tác đào tạo.

PV: Vậy vì sao Bộ GD-ĐT không quy định cụ thể để kiểm soát việc tăng học phí ở trường tư, thưa ông?

Ông Trần Tú Khánh: Để quy định cụ thể và ràng buộc các cơ sở đào tạo ngoài công lập một tỷ lệ tăng chung rất là khó, một mức thu chung rất là khó. Nếu quy định như vậy sẽ dẫn tới vấn đề là đối với các trường đầu tư chất lượng cao, mô hình mới, được xã hội ghi nhận… bị kìm hãm, việc đầu tư xã hội hóa trong giáo dục cũng bị kìm hãm. Đó lại là một bước cản trở sự phát triển.

Quan điểm của tôi là chúng ta không thể quy định một mức cụ thể học phí đối với các cơ sở ngoài công lập, nhưng cần có chế tài giám sát và sự phản biện của xã hội. Đặc biệt, khi xây dựng đề án thành lập các cơ sở giáo dục này, họ cần phải có cam kết lộ trình về học phí, ví dụ như hàng năm, tăng học phí không quá bao nhiêu % và cần được ghi rõ trong quyết định thành lập trường.

Các trường mà cứ cam kết một đằng, làm một nẻo, đưa ra mức học phí cao thì chẳng mấy chốc phụ huynh sẽ quay lưng và nhà trường sẽ không có học sinh. Và thực tế cũng đã diễn ra như thế rồi.

Nên phản ánh tới Bộ GD-ĐT khi có xung đột học phí

PVVậy theo ông, mỗi khi có xung đột xảy ra giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, đặc biệt là về học phí, thì cần có những cơ chế, quy định cụ thể nào để giải quyết để vừa đảm bảo quyền lợi cho phía nhà trường, vừa đảm bảo quyền đi học của trẻ em và trách nhiệm phổ cập giáo dục?

Ông Trần Tú Khánh: Xảy ra tình trạng xung đột như thế, có thể nói, các cơ sở giáo dục đã giải quyết chưa được thỏa đáng. Vì giáo dục là dịch vụ đặc biệt, có thể ở những trường hợp này, phụ huynh và nhà trường cần ngồi lại với nhau.

Trách nhiệm giám sát và xử lý là thuộc về cơ quan quản lý ở địa phương, địa phương cần có giải pháp kịp thời.

Hệ thống trường công có thể đáp ứng được vấn đề “chuyển trường”, nhưng quá trình này sẽ rất ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, phụ huynh. Tôi cho rằng các cơ quan giám sát cần vào cuộc.

Ngoài ra, khi xảy ra xung đột, phụ huynh cần có phản ánh kịp thời tới ban lãnh đạo nhà trường, đặc biệt là đến các cơ quan quản lý ngành giáo dục như Sở GD-ĐT của tỉnh, phòng GD-ĐT của huyện, hoặc gửi phản ánh tới Bộ GD-ĐT để Bộ có những can thiệp, xử lý kịp thời, để tránh gây ảnh hưởng tới tâm lý phụ huynh và học sinh./.