Quản lý lỏng lẻo!

Trưa 5/10/2015, chị Đinh Thị Thuý Hằng, ở Đồng Hới, Quảng Bình là mẹ cháu Cù Hoàng Phi Long (15 tháng tuổi), gửi con ở cơ sở Mầm non Sơn Ca thuộc phường Nam Lý đã đến cơ sở này để theo dõi camera giám sát. Tại đây chị phát hiện 3 bảo mẫu thường xuyên ép cháu Long ăn bằng cách lấy thìa inox đánh đập vào người cháu.

Sau khi có thông tin, Phòng GD-ĐT Đồng Hới đã tổ chức kiểm tra, phát hiện cơ sở này tổ chức hoạt động trái phép, chưa có quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền. Sở GD-ĐT Quảng Bình đã yêu cầu cơ sở này dừng ngay mọi hoạt động trái phép và thông báo cho phụ huynh đón cháu về ngay cuối buổi sáng 6/10.

be_trai_bi_bao_hanh_rsrm.jpg
Cháu bé 15 tháng tuổi ở Quảng Bình bị cô giáo bạo hành gây phẫn nộ trong dư luận những ngày qua

Trước đó còn xảy ra vụ việc ở xã Xuân Mai, huyện Văn Quán, Lạng Sơn, một cô giáo để trẻ ở ngoài ăn rác vì bé... khóc mãi không ngừng, khiến dư luận vô cùng bất bình.

Nhận định 2 vụ việc bạo hành, bỏ mặc trẻ trong cơ sở mầm non vừa xảy ra ở Lạng Sơn và Quảng Bình, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT cho rằng: “Cô giáo mầm non đã thiếu bình tĩnh, thiếu kỹ năng, thiếu kinh nghiệm và sai lầm về phương pháp xử lý tình huống, làm cháu bé sợ hãi, bị tổn thương về mặt tâm lý. Vụ việc ở Quảng Bình, chúng tôi rất buồn và sốc với những hành động thô bạo không thể chấp nhận được của 3 cô giáo đối với trẻ. Hành động này thể hiện cô giáo không có tình yêu thương đối với trẻ”.

Có thể nói, vụ việc xảy ra ở Lạng Sơn và Quảng Bình cho thấy thực tế đáng lo ngại về chất lượng giáo viên của các trường mầm non tư thục rất kém, do chạy theo lợi nhuận nên có nhiều trường chỉ tuyển một vài giáo viên đã qua đào tạo, số bảo mẫu còn lại các trường này thường tuyển lao động phổ thông vào làm việc nên họ không có kỹ năng sư phạm và còn có nhiều hạn chế về nhận thức pháp luật.

Sở dĩ, hành vi “hành hạ trẻ em” diễn ra chủ yếu và tập trung nhiều nhất vào nhóm các trường mầm non tư thục, bởi trong Luật Lao động; Luật Giáo dục, và các văn bản hướng dẫn khác gần như bỏ ngỏ quản lý lao động, chất lượng nghề của đội ngũ giáo viên, bảo mẫu ở các cơ sở giáo dục này (trường tư thục). 

Xử lý nghiêm minh

Luật sư Phạm Quốc Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Hành vi nhét giẻ vào mồm, trói tay chân và đánh đập trẻ ngay tại lớp học có thể bị xử lý hình sự về “Tội hành hạ người khác” theo Điều 110 Bộ luật Hình sự. Việc hành hạ người người khác là hành vi đối xử tàn ác gây cho họ đau đớn về thể xác, tinh thần người bị lệ thuộc như đánh đập, giam hãm… Theo khoản 1 Điều 110, Bộ luật Hình sự thì khung hình phạt cho tội này là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Ngày 7/10, Phòng GD-ĐT Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, liên quan đến sự việc xảy ra tại cơ sở Mầm non Sơn Ca (số 96 Hữu Nghị, TP. Đồng Hới), phòng đã chỉ đạo các trường mầm non công lập và nhóm trẻ tư thục trên địa bàn tạo điều kiện tiếp nhận trẻ sau khi cơ sở trên bị cấm hoạt động. Số lượng trẻ là trên 80 cháu, phần lớn ở 2 phường Bắc Lý và Nam Lý.

Theo bà Trần Thị Sáu, Trưởng phòng GD-ĐT Đồng Hới, sẽ triển khai mọi biện pháp nhằm tạo điều kiện cho phụ huynh có nơi gửi con, đồng thời sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện các trường mầm non và cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Trước nhu cầu gửi trẻ ngày càng cao, các dịch vụ trông trẻ theo nhóm lớp, gia đình cũng phát triển theo.

Ông Bá Minh cho biết, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương phối hợp với các tổ chức, ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) hoạt động của các cơ sở GDMN tư thục trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm và kiên quyết đình chỉ các nhóm lớp tư thục không đảm bảo các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ...

Để thế hệ tương lai không bị “vấy bẩn”

Trong những năm gần đây, ở môi trường giáo dục đã xuất hiện những hành vi thể hiện sự suy đồi về đạo đức, như có những học trò ngang nhiên cãi lại thầy, thậm chí đánh thầy ngay trên bục giảng đến mức ngất xỉu; bạn bè đánh đấm, đâm chém nhau xảy ra khá thường xuyên, nhiều nhóm học sinh “cá biệt” được lập ra để bắt nạt các học sinh yếu thế khác...

Có thể thấy hậu quả của hành vi bạo lực học đường đang hiển hiện hằng ngày trong đời sống học sinh, của gia đình, của nhà trường và xã hội. Nó là hồi chuông cảnh báo cho những ai thực sự quan tâm đến thế hệ trẻ và tương lai của đất nước, nếu chúng ta không cùng quyết liệt giải quyết vấn nạn này thì khó có thể giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, và việc “gieo nhân nào gặt quả đó” trong tương lai là điều khó tránh khỏi./.