Sáng 16/9, Thành ủy TP HCM tổ chức hội nghị cán bộ nghe chuyên đề “Xây dựng mô hình xã hội học tập ở TP HCM giai đoạn hội nhập”. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở ngành, quận huyện của thành phố.

“Xây dựng mô hình xã hội học tập ở TP HCM giai đoạn hội nhập” là đề tài khoa học của Hội khuyến học thành phố thực hiện từ tháng 12/2007 và được nghiệm thu tháng 8/2010. Các điều tra xã hội học của đề tài thực hiện cuối năm 2008 cho thấy cán bộ các cấp, nhất là cấp xã phường của thành phố hiểu chưa đầy đủ về “xã hội học tập”.

10 nghịch lý tồn tại trong thời điểm đó như: cơ hội học thì nhiều nhưng tận dụng được ít, người dân chưa thật hiếu học khi cứ 100 người lớn thì chỉ có 40 người là tha thiết với việc học, thực trạng người khuyết tật đứng ngoài các điều kiện học tập, trường phổ thông ít dạy cách học và tự học…

Đề tài đã đề xuất hàng loạt giải pháp để thành phố phát triển “xã hội học tập”, làm sao cho mọi người đều có ý thức và điều kiện để học tập ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lứa tuổi, mọi người, mọi tổ chức đều có trách nhiệm tham gia xây dựng xã hội học tập.

Những người thực hiện đề tài cũng đã xây dựng một mô hình “xã hội học tập” và triển khai thí điểm ở 5 quận huyện, 10 phường, xã với kết quả đáng mừng, rồi rút kinh nghiệm, bổ sung vào các giải pháp đề xuất. Mô hình xã hội học tập ở TP HCM được đề xuất là “có 1/4 dân số học chính quy và 3/4 dân số học tập không chính quy”.

Tiến sỹ Hồ Thiệu Hùng, thành viên nhóm thực hiện đề tài, cho rằng, giải pháp quan trọng hàng đầu phải làm tốt, tích cực, làm lâu dài nhằm hay đổi nhận thức của mọi đối tượng. Đặc biệt, những người đứng đầu các địa phương phải hiểu đầy đủ về xã hội học tập./.