Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Thông tư Ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ cao đẳng, đại học. Theo dự thảo Quy chế Đào tạo từ xa trình độ cao đẳng, đại học ban hành kèm Thông tư trên,  mục đích của đào tạo từ xa để mở rộng cơ hội học tập cho những người có nhu cầu và mong muốn học tập để nâng cao trình độ nhằm nâng cao dân trí, góp phần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Quy chế cũng quy định các phương thức đào tạo từ xa, gồm phương thức Thư tín: kiến thức và kinh nghiệm được chuẩn bị và cung cấp cho các học viên chủ yếu bằng đường thư tín thông qua học liệu chính là tài liệu in. Học liệu chính bao gồm: giáo trình, sách tham khảo, tài liệu hướng dẫn học tập, nghiên cứu, sách bài tập, tài liệu hướng dẫn thi, kiểm tra. Các học liệu bổ trợ khác như băng đĩa hình, đĩa tiếng, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, tài liệu hướng dẫn dạy học với sự trợ giúp của máy tính, bài tập trên internet, bài seminar và các buổi trao đổi thảo luận, truyền hình hội nghị từ xa, bài thực tập ảo, bài thực tập mô phỏng và thực tập thực tế;

Phương thức Phát thanh-Truyền hình: kiến thức và kinh nghiệm được chuẩn bị và cung cấp cho học viên chủ yếu thông qua các hệ thống phát thanh-truyền hình trong đó học liệu chính là các chương trình phát thanh, truyền hình được phát trực tiếp hoặc phát lại trên kênh phát thanh, truyền hình, truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp, truyền hình tương tác, giúp cho giảng viên và học viên coi như được trực tiếp gặp mặt và trao đổi với nhau. Các học liệu bổ trợ khác như băng đĩa hình, đĩa tiếng, sách in, tài liệu hướng dẫn dạy học với sự trợ giúp máy tính, bài tập trên internet, bài seminar, bài thực tập ảo, bài thực tập mô phỏng và thực tập thực tế;

Phương thức Mạng máy tính và viễn thông: kiến thức và kinh nghiệm được chuẩn bị và cung cấp cho người học chủ yếu thông qua mạng máy tính và viễn thông trong đó học liệu chính là học liệu điện tử số hoặc tương tự, đồng bộ hoặc không đồng bộ, trực tuyến hoặc không trực tuyến. Các học liệu bổ trợ khác như băng đĩa hình, đĩa tiếng, sách in, tài liệu hướng dẫn dạy học với sự trợ giúp của máy tính, bài tập trên internet, bài seminar và các buổi trao đổi thảo luận, truyền hình hội nghị từ xa, bài thực tập ảo, bài thực tập mô phỏng và thực tập thực tế...

Dự thảo nêu rõ: Chương trình ĐTTX có nội dung như chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục chính quy, được xây dựng, thẩm định và ban hành theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học.

Đề cương chi tiết của từng học phần phải mô tả rõ được: Nội dung; mục tiêu của học phần và yêu cầu về năng lực mà học viên đạt được sau khi kết thúc học phần; học liệu; phương pháp và kế hoạch học tập, giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của học viên. Cùng với đó, mỗi chương trình ĐTTX phải được đánh giá và cập nhật tối thiểu 5 năm một lần./.