Mới đây, tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Thủ tướng sớm công bố tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam.

Từ thực tế thị trường lao động, bà Lê Thị Kim, Giám đốc Khoán việc và Cho thuê lại lao động khu vực miền Bắc Việt Nam thuộc Manpower Group cho biết, bên cạnh những kỹ năng mềm như giao tiếp, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, làm việc  nhóm… thì ngoại ngữ là yếu tố hàng đầu được các nhà tuyển dụng quan tâm khi lựa chọn nhân sự.

Theo bà Kim, nếu như 10 năm về trước, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đều có phiên dịch riêng, thì đến nay, hầu hết các công ty này đều yêu cầu ứng viên có khả năng nói tiếng Anh một cách thành thạo trong công việc hàng ngày.

ta3_azlv.jpg
Ngày nay các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đều yêu cầu ứng viên có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo. (Ảnh minh họa)

Tình trạng hàng ngàn cử nhân thất nghiệp, trong khi các nhà tuyển dụng vẫn “khát” nhân sự cũng xuất phát từ việc nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng được các yêu cầu về kỹ năng mềm, ngoại ngữ và kiến thức chuyên môn. Từ đó, bà Lê Thị Kim cho rằng, việc quy định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 sẽ là cú hích quan trọng giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.

Còn theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, Việt Nam hiện đang là vùng trũng tiếng Anh trong khu vực, khi các nước và vùng lãnh thổ lân cận như Philipines, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Hong Kong….với các bước đi phù hợp đều đã biến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thông dụng, được sử dụng trong cả đời sống thường ngày.

Trình độ tiếng Anh hạn chế là rào cản lớn trong hội nhập, tiếp cận thông tin, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế, xã hội… Đến nay, dù đã có nhiều chính sách, song tiếng Anh mới chỉ dừng lại ở mức độ là môn học ngoại ngữ được ưu tiên số 1 trong các nhà trường.

Phổ cập tiếng Anh là con đường Singapore đi cách đây 50 năm, Malaysia đi cách đây 15 năm và là con đường Indonesia đang đi hiện nay. “Từ kinh nghiệm các nước thế giới, Việt Nam cần có những cách làm cụ thể, tránh biến việc này thành một dự án, đi tuần tự từng bước từ mời chuyên gia nước ngoài, bàn thảo, tiêu tốn ngân sách, nhưng kết quả đạt được thì lại không đi đến đâu.

Tôi cho rằng, chương trình học tiếng Anh ở các trường hiện nay chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến việc phụ huynh, học sinh mất thêm số tiền lớn để học tại các trung tâm bên ngoài. Thay vì thực hiện dạy song bằng, cả chương trình bằng tiếng Việt và tiếng Anh như hiện nay, Bộ GD-ĐT nên cho phép các trường tùy theo năng lực được tự quyết việc giảng dạy một số môn bằng tiếng Anh”, TS Lê Trường Tùng đề xuất.

Theo TS Tùng, ở bậc đại học, thay vì chỉ quy định chuẩn đầu ra như hiện nay, các trường đại học nên quy định cả chuẩn đầu vào tiếng Anh. Theo đó, sinh viên sẽ có ít nhất 1 năm để học tiếng Anh, khi thi qua kỳ thi sát hạch tiếng Anh sẽ được học tiếp các môn chuyên ngành bằng ngôn ngữ này. “Nếu làm như vậy buộc sinh viên sẽ có tâm lý chủ động học tiếng Anh để trở thành phương tiện học các môn tiếp theo, khác hẳn với việc học cho có đủ thủ tục bằng cấp ra trường”, TS Tùng cho hay.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN cho rằng, tiếng Anh là ngôn ngữ giao dịch chính trên thế giới. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển của cuộc CMCN 4.0, nguồn nhân lực Việt nam phải tiến đến đáp ứng yêu cầu toàn cầu. Do đó, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 là điều cần thiết.

Theo GS Đức, để thực hiện được điều này, phải đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới dạy và học tiếng Anh trong nhà trường. Trong đó, cần đưa tiếng Anh vào giảng dạy ngay từ các cấp học thấp nhất, tiến hành giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh, chứ không chỉ dừng lại ở việc coi tiếng Anh là một môn học như hiện nay. Đồng thời, cần đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng, giáo trình bài bản.

Để thực hiện thành công, Việt Nam cũng không thể thiếu sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước nói tiếng Anh, cũng như cộng đồng các nước nói tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức để từ đó tạo ra môi trường giao tiếp và sử dụng tiếng Anh thường xuyên trong nước.

Có cùng quan điểm, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, phát triển tiếng Anh là điều cần thiết, tuy nhiên, nói chính xác, tiếng Anh là ngoại ngữ chính ở Việt Nam chứ không phải ngôn ngữ. Tiếng Anh cần được ưu tiên để triển khai mạnh mẽ hơn so với các ngoại ngữ khác. Nói về phương hướng thực hiện, GS Phạm Tất Dong cho rằng: “Quốc hội cần bàn thảo để đưa ra các chính sách và giải pháp phù hợp, tránh việc chính sách chỉ nằm trên giấy. Cứ nói rằng không có đủ ngân sách để thực hiện các dự án giáo dục, nhưng tôi cho rằng vấn đề là ngân sách đó có được sử dụng đúng hay không, nếu làm đúng, thì chúng ta vẫn có đủ tiềm lực”./.