Trong đợt tuyển dụng lao động, một doanh nghiệp ra đề bài là ứng cử viên phải tìm ra được cách sửa chữa một bộ phận của chiếc ô tô đang bị hỏng. Nếu người nào không sửa được thì phải nêu ra phương thức, kỹ năng, sáng kiến để sửa chữa bộ phận ô tô bị hỏng đó.
Số người đang cần được tuyển dụng chia làm 2 nhóm: Người có trình độ ĐH trở lên và người tốt nghiệp các trường dạy nghề.
Sau một thời gian tổ chức thi, cuối cùng doanh nghiệp đã tuyển được nhân viên làm việc cho mình thuộc về một vài người trong nhóm tốt nghiệp các trường dạy nghề. Mặc dù vậy, cơ hội việc làm vẫn còn cho những ứng cử viên có sáng kiến, đưa ra cách thức để sửa chữa bộ phận của chiếc ô tô đang bị hỏng. Tuy nhiên, chẳng có ai đưa ra được phương pháp nào đúng và thuyết phục được Ban giám đốc doanh nghiệp.
Câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó mà điều đặc biệt là trong quá trình làm việc, doanh nghiệp trên đã phải bỏ ra thời gian, kinh phí để tổ chức tập huấn, đào tạo lại cho những người đã trúng tuyển để họ có thể đáp ứng được với đòi hỏi của công việc.
Việc dạy học ở các trường ĐH, CĐ và dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội (Ảnh minh họa) |
Chất lượng đào tạo kém, nguồn nhân lực bị “chê”
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, trường hợp trên là có thực đối với việc tuyển dụng nhân lực ở các cơ quan, doanh nghiệp trong nước hiện nay. Điều này nói lên việc đào tạo ĐH và dạy nghề còn nhiều bất cập. Hệ thống các trường ĐH, CĐ mở rộng, trải dài khắp cả nước với nhiều ngành nghề đã đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học. Học sinh phải tốn công sức thi tuyển, học hành để trúng tuyển vào ĐH, CĐ nhưng khi học xong thì chất lượng không đáp ứng được ngay chính trên sân nhà.
Nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng người vào làm việc đều đánh giá, mặc dù sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ chính quy, nhưng kiến thức xã hội và kỹ năng thực hành còn yếu nên khi vào làm việc, họ phải tổ chức những khóa tập huấn, đào tạo lại. Thế nhưng, một số doanh nghiệp khác khắt khe hơn trong tuyển dụng. Họ đã từ chối không tuyển dụng sinh viên vừa tốt nghiệp mà chỉ lấy những người đã có kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực.
Thời gian vừa qua, một số địa phương đã phản ứng về chất lượng nguồn nhân lực bằng cách “tẩy chay” sinh viên tốt nghiệp một số trường ĐH, CĐ ngoài công lập hoặc hệ đào tạo Tại chức, liên thông, văn bằng 2…
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga |
Nguyên nhân là vì một số tỉnh cho rằng, chất lượng đào tạo và học tập ở những loại hình trên không được tốt. Nhiều cơ sở đã chạy theo lợi nhuận, thu hút càng nhiều học viên càng tốt mà không chú trọng đến chất lượng đào tạo, buông lỏng quản lý. Còn các sinh viên theo học những hệ đào tạo này chỉ học theo kiểu “điểm danh” để có tấm bằng tốt nghiệp nhưng lại không chú ý đến việc học để lấy kiến thức thực sự.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trên thực tế, không phải là tất cả cơ sở đào tạo và học viên nào cũng giảng dạy và học tập như các địa phương phàn nàn nhưng động thái “quay lưng” với những hệ đào tạo Tại chức, văn bằng 2, liên thông… ở nhiều nơi đã khiến Bộ GD-ĐT phải xem xét lại việc đào tạo loại hình này của các trường ĐH, CĐ. Theo đó, bắt đầu từ năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ giảm chỉ tiêu đào tạo hệ Tại chức, văn bằng 2, đào tạo liên thông chính quy.
Suy cho cùng, động thái trên của Bộ GD-ĐT cũng chỉ là tình thế đối phó theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Trong một thời gian dài, Bộ đã quá dễ dàng cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh ồ ạt, mở ngành, mở hình thức đào tạo nhưng lại buông lỏng quản lý hoạt động của các trường. Và rồi để đến khi các địa phương kêu ca, báo chí lên tiếng thì mới “rục rịch” chấn chỉnh.
Thế nhưng, mất mát và thiệt hại lớn nhất vẫn là thuộc về người học. Dù cho họ là những người có ý thức học tập nghiêm túc hay không thì cũng phải thi tuyển đầu vào, mất thời gian học tập và tốn kém kinh phí nhưng khi cầm tấm bằng tốt nghiệp đi xin việc thì không được tuyển dụng. Lãng phí về tiền bạc thì có thể nhìn thấy nhưng lãng phí nguồn nhân lực cho xã hội thì không thể đếm hết được.
Sinh viên, lao động hầu như phải đào tạo lại
Sự buông lỏng quản lý chất lượng đào tạo kiến thức ở các trường ĐH, CĐ chỉ là một yếu tố tác động đến chất lượng nguồn nhân lực ở nước ta. Sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc phải làm trái nghề, thậm chí phải làm cả việc của những lao động phổ thông. Còn đất nước lại thiếu và đang rất cần những người thợ có tay nghề giỏi nhưng hệ thống đào tạo các trường dạy nghề còn rất manh mún và chưa được đầu tư bài bản.
PGS.TS Dương Đức Lân |
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên VOV online, PGS.TS Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, nguồn nhân lực Việt Nam đang bị chênh lệch quá nhiều. Người đi học thì nhiều nhưng kỹ năng thực hành rất kém. Cơ sở vật chất của các trường dạy nghề còn thiếu và chưa đồng bộ nên đã tác động rất lớn tới khả năng thực hành của học viên.
Có lần Việt Nam đưa lao động sang làm việc tại thị trường Hàn Quốc. Số lao động này gồm cả những người tốt nghiệp ĐH và cả lao động phổ thông, tốt nghiệp các trường dạy nghề. Thế nhưng, khi trực tiếp quan sát các lao động Việt Nam, một số doanh nghiệp Hàn Quốc đã “lắc đầu” tỏ ý chê trình độ, kỹ năng cũng như ý thức của lao động Việt Nam. Nhiều công ty, doanh nghiệp đã thẳng thắn nói rằng, khi vào làm, lao động nước ta gần như phải đào tạo lại hết.
Một số doanh nghiệp nhận định, ngoài sự chăm chỉ và cần cù thì trình độ và kỹ năng của lao động Việt Nam còn kém so với lao động các nước khác.
Việt Nam chưa đào tạo theo Khung trình độ quốc gia
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do Việt Nam chưa đào tạo theo khung trình độ (KTĐ) quốc gia.
Đến năm 2012, khoảng 130 nước trên thế giới đã có KTĐ quốc gia. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một trong 4 nước vẫn chưa xây dựng hoàn chỉnh KTĐ quốc gia (cùng với Campuchia, Lào và Myanmar). Điều này có nghĩa là giáo dục của nước ta chưa được nhiều nước thừa nhận nên sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ cũng như học viên tốt nghiệp các trường dạy nghề chưa đạt được các tiêu chí mà nhiều nước trên thế giới yêu cầu. Vì vậy mà mới có chuyện lao động, sinh viên Việt Nam cầm tấm bằng tốt nghiệp ĐH ở trong nước đi xin việc ở một số nước như: Singapore, Thái Lan bị từ chối, chứ chưa nói gì đến các nước ở khu vực châu Âu, châu Mỹ…
Ông Hoàng Ngọc Vinh |
Được biết, Bộ GD-ĐT đang xây dựng KTĐ quốc gia trình Chính phủ xem xét vào năm 2014. Nếu được Chính phủ phê chuẩn, dự kiến, KTĐ quốc gia này sẽ được thực hiện tại các trường ĐH, CĐ và dạy nghề từ năm 2015. Điều đó cũng đồng nghĩa là việc giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ và dạy nghề trong cả nước sẽ có sự thay đổi căn bản và toàn diện. Người học sẽ phải phấn đấu nhiều hơn cả về kiến thức và kỹ năng cũng như trình độ ngoại ngữ thì mới có đầy đủ các tiêu chí cần thiết để được chính các tổ chức tuyển dụng trong và ngoài nước công nhận.
Tiêu chí mới đưa ra đều có mục đích cao cả là hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực có thể hội nhập với khu vực và thế giới. Thế nhưng, để thực hiện tốt tiêu chí mới này lại là bài toán khó đối với ngành giáo dục./.