Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”.

Mục tiêu của Đề án là tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam (đặc biệt là học sinh, sinh viên) nhằm tạo chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống và giúp các em có thêm lòng tự hào dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Thông qua đó còn giúp thế hệ trẻ có đủ sức khỏe, tri thức và kỹ năng lao động để trở thành những công dân có ích, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để hiểu hơn về việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa.

thu_truong_nguyen_thi_nghia_bbnu.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa

PV:Việc tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên đã được các địa phương, trường học triển khai. Tuy nhiên, kết quả chưa được như yêu cầu đề ra. Thứ trưởng có thể cho biết vì sao lại như vậy?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên là nhiệm vụ hàng đầu và thường xuyên của các cơ sở giáo dục. Ngành Giáo dục đã phối hợp với các cơ quan liên quan để có nhiều hoạt động thực hiện nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, việc thực hiện còn một số bất cập như một bộ phận học sinh, sinh viên có tư tưởng, lối sống, đạo đức chưa tốt, sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Đặc biệt là gần đây, trò chơi trực tuyến games online thiếu lành mạnh và cuộc sống “ảo” trên mạng xã hội đã khiến một bộ phận thanh thiếu niên mải mê vào đó nên đã ảnh hưởng đến quá trình học tập, rèn luyện đạo đức và làm cho tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật có những diễn biến phức tạp. Ngoài ra, tình trạng bạo lực học đường vẫn còn nhiều.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác giáo dục đạo đức, lối sống của chúng ta còn một số hạn chế, bất cập. Đó là nội dung giáo dục đạo đức công dân ở các trường học vẫn còn nặng tính hàn lâm, chưa có những hoạt động thiết thực áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Phương pháp giảng dạy của giáo viên chậm đổi mới, hình thức giáo dục chưa đa dạng, phong phú để tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài giờ lên lớp nhằm thu hút học sinh, sinh viên. Bởi vậy, các địa phương cần tăng cường các hoạt động này để giáo dục lối sống, đạo đức cho học sinh, sinh viên được hiệu quả hơn.

PV:Thưa Thứ trưởng, để giải quyết những bất cập trên, các trường học cần phải thay đổi từ đâu và như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Các cơ sở giáo dục, trường học cần phải tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Để thực hiện nhiệm vụ này, các trường học cần có hình thức tuyên truyền, giáo dục phong phú hơn chứ cứ đọc Nghị quyết suông thì rất khó có thể khiến các em hiểu hết được.

Các trường có thể mời các chuyên gia, nhà tâm lý đến trường để nói chuyện về các vấn đề thời sự có gắn giáo dục, tuyên truyền lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên bằng những ví dụ thực tiễn.

Ngoài ra, các trường nên tăng cường đối thoại với sinh viên để nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng của các em. Đây cũng là hoạt động thể hiện sự dân chủ của nhà trường và cũng qua đây giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên được tốt hơn.

Thông qua việc tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong các trường,  học sinh, sinh viên, nhà trường có thể thay đổi từ nhận thức sang chuyển đổi hành vi của các em theo hướng sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, có đạo đức, lối sống lành mạnh, hoài bão lớn…

Ngoài ra, các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Đội thiếu niên Tiền phong ở các trường học cũng sẽ góp phần rèn luyện ý thức đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên bằng các phong trào: Sinh viên 5 tốt, thanh niên tình nguyện, hiến máu tình nguyện. Đó là những phong trào, cuộc vận động thiết thực với cuộc sống của học sinh sinh viên, giáo dục lòng nhân ái, sống trách nhiệm với cộng của các em.

PV:Để thực hiện tốt việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, ngành Giáo dục mong muốn những gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Việc giáo dục lý tưởng cách mạng, ý thức đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, chỉ riêng ngành Giáo dục không thể thực hiện được mà cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương.

Ngoài ra, việc giáo dục học sinh, sinh viên cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng để chúng ta đào tạo thế hệ trẻ phát triển một cách toàn diện. Bởi giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên đâu chỉ có trách nhiệm từ phía nhà trường. Phụ huynh, xã hội không thể phó mặc việc giáo dục, rèn luyện nhân cách, đạo đức, lối sống của các em cho nhà trường được.

PV:Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.