Tổng hợp xếp loại hạnh kiểm học sinh từ 25 tỉnh, thành phố của Văn phòng Chủ tịch nước cho thấy, có sự “suy giảm” về đạo đức trong học sinh phổ thông theo thời gian, cấp học, hạnh kiểm tốt giảm, hạnh kiểm trung bình và yếu tăng.

Theo đó, ở bậc THCS, tỷ lệ học sinh xếp loại tốt đạt 70,77% nhưng lên THPT giảm xuống 65,67%; Tỷ lệ học sinh xếp loại khá bậc THCS 23,54%, THPT: 24,9%; Trung bình: THCS là 5,00%, THPT: 5,58%; Yếu: THCS là 0,69%, THPT: 3,84%.

Thực trạng trên khiến cho không chỉ ngành Giáo dục-Đào tạo phải quan tâm mà đang là vấn đề lớn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (HSSV). Vấn đề này được đưa nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 11/4.

hoc-sinh-pho-thong.jpg
Nhà trường, gia đình và xã hội cần phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV  (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Chu Văn Yêm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cho rằng, ở các trường học cần thống nhất coi môn môn Đạo đức/Giáo dục công dân (GDCD) là môn học đặc thù bởi tính chất đặc biệt của môn học này góp phần giáo dục, đào tạo nhân cách con người. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu đổi mới hình thức sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy môn Đạo đức/GDCD phù hợp với thực tiễn và tâm lý từng lứa tuổi, từng cấp học; tăng thời lượng môn học một cách hợp lý. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu các trường phổ thông cần quan tâm xây dựng môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh, văn minh; xây dựng đội ngũ giáo viên mẫu mực, tạo điều kiện gắn kết nhà trường, giáo viên và học sinh một cách thân thiện.

Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GD-ĐT) cho rằng, để HSSV có lối sống, đạo đức tốt, sự quan tâm và giáo dục của gia đình có vai trò hết sức quan trọng. Gia đình là môi trường văn hóa đầu tiên mà mỗi cá nhân tiếp nhận. Nhiều người có quan niệm rằng: “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” mà quên mất “tính” ấy được hình thành từ nền tảng gia đình, từ sự giáo dục và quản lý con ngay từ thơ ấu. Không có sự giáo dục nào tốt hơn khi cha mẹ làm tấm gương sáng cho con cái noi theo. Từng cử chỉ, hành động, cách hành xử của chạ mẹ luôn hằn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của trẻ em từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Con cái nhìn vào tấm gương ấy mà cố gắng học tập, noi theo.

Theo ông Ngũ Duy Anh, HSSV khi hết giờ học là ra khỏi môi trường Sư phạm nên có thể bị những tác động ngoại cảnh từ môi trường xã hội chi phối đến lối sống, đạo đức của các em. Những tác động từ môi trường xã hội (nếu không tốt) có thể ảnh hưởng đến nhân cách, lối sống hoặc dẫn các em tới những hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật.

Vì vậy, để quản giáo dục, tu dưỡng đạo đức, lối sống cho HSSV, từng gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục con cái. Các phụ huynh hãy dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, động viên con em kịp thời, không phó mặc con em mình cho nhà trường và xã hội./.