Từ đề xuất... tối kiến
Ngày 26/2, Hiệp hội Bất động sản TP HCM đã gửi Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, nhiều bộ ngành... một kiến nghị có lẽ chỉ tác giả là không... sốc. Đó là chủ ý đánh thuế thu nhập trên tiền lãi từ những khoản gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng. Mục đích của đề xuất để chuyển hướng dòng tiền vào đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Thu thuế tiền gửi tiết kiệm sẽ cản trở huy động vốn của NH và tăng áp lực nâng lãi suất cho vay |
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, khi trả lời trên báo chí, rằng chúng ta không thu thuế thu nhập trên thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm vô hình trung sẽ khuyến khích gửi tiết kiệm chứ không khuyến khích bỏ tiền vào sản xuất kinh doanh. Có lẽ chính vì thế mà ông Châu kỳ vọng: Nếu thực thi sắc thuế này, sẽ hướng dòng tiền này vào nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản.
Có thể khẳng định đề xuất này là một tối kiến. Nó thể hiện một lối tư duy tận thu, chặn đường dân mà thu lấy được. Bởi lẽ, ai cũng biết rằng, nền kinh tế của đất nước đang trong hoàn cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành, và toàn thể nhân dân ta đang cùng nỗ lực đưa nền kinh tế vượt khó bằng nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp quan trọng mà Chính phủ, NHNN đang nỗ lực thực hiện là giảm lãi suất cả huy động và cho vay để khôi phục nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp hoạt động sản xuất bình thường trở lại.
Đồng thời, lâu nay trên các phương tiện truyền thông, tại các diễn đàn kinh tế... (trong đó có thể cả ông Lê Hoàng Châu và các thành viên Hiệp hội BĐS TP HCM từng tham dự), các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp từng trăn trở và tốn không ít giấy mực nêu giải pháp nhằm khơi thông dòng tiền tiết kiệm, mà người dân cất giấu để dành, cho nền kinh tế, đó là khuyến khích gửi tiền tiết kiệm vào các ngân hàng. Hiện nước ta đang miễn thuế thu nhập cá nhân đối với tiền gửi tiết kiệm mục đích là để khuyến khích người dân gửi tiết kiệm. Bên cạnh đó, dân gửi tiết kiệm hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào lãi suất tiền gửi sẽ mang lợi cho người gửi tiền như thế nào. Nếu nay thực thi đánh thuế thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm, chắc chắn người gửi sẽ thêm đắn đo khi gửi tiền vào NH.
Hẳn những điều quan trọng nêu trên Hiệp hội BĐS TP HCM và ông Lê Hoàng Châu không thể không biết.
... đến hệ quả “song liệt” nhãn tiền
Trong bối cảnh hiện nay, giả định những đề xuất này của Hiệp hội BĐS TP HCM được thực thi, tối kiến này sẽ gây tê liệt một dòng vốn lớn, cản trở sản xuất kinh doanh, và thậm chí gây tê liệt chủ trương ích nước, lợi dân.
Tại sao thu thuế thu nhập cá nhân từ tiền gửi lúc này lại gây tê liệt dòng vốn lớn trong dân, cản trở sản xuất kinh doanh? Bởi vì, người dân nước ta hiện nay vẫn có tâm lý tự quản tiền nhiều hơn nhờ NH quản. Hơn nữa, thực tế thanh toán tiêu dùng chủ yếu vẫn dùng tiền mặt, cho nên việc người dân gửi tiền tiết kiệm vào NH vẫn là một quyết định không dễ dàng, nếu lợi ích nhờ lãi suất và các thủ tục gửi, rút không thực hấp dẫn.
Do vậy, nếu nay thêm khoản thuế thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm, chắc chắn tăng rào cản cho dòng vốn này chảy vào NH. Theo ông Lê Hoàng Châu, thu loại thuế này sẽ hướng dòng tiền đổ vào sản xuất kinh doanh. Đây là một định hướng thiếu thuyết phục, đặc biệt là trong bối cảnh nền sản xuất kinh doanh còn đang khó trăm bề như hiện nay. Thực tế, không ít người đã rút vốn kinh doanh, hoặc thậm chí ngừng kinh doanh để đổ vốn gửi vào NH vì tin vào lợi nhuận từ lãi suất gửi tiền hơn đầu tư kinh doanh.
Như vậy, tâm lý gửi tiết kiệm an toàn hơn đầu tư, lúc này, dù sao dòng tiền vẫn vào NH. Khi đó, việc lợi ích hóa dòng vốn thuộc trách nhiệm của NH và các chính sách tín dụng đối với người vay vốn cho sản xuất kinh doanh, chứ không phải trách nhiệm của người gửi tiền. Vì bản thân người gửi tiền tiết kiệm, thay vì tự cất giữ tại nhà, cũng là đang góp sức tăng vốn cho nền kinh tế.
Hơn thế, nếu thu thuế thu nhập cá nhân đối với tiền gửi như đề xuất, các NH phải tăng lãi suất huy động, dẫn đến lãi suất cho vay tăng, gây bất lợi cho doanh nghiệp, cho nền sản xuất, kinh doanh.
Trở lại với đề xuất của Hiệp hội BĐS TP HCM, chỉ đánh thuế những người có tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên. Đề xuất cụ thể về ngưỡng tiền chịu thuế này được giải thích là do người về hưu, người lao động, công nhân, viên chức… có số dư tiền gửi tiết kiệm không nhiều. Các khoản tiền gửi tiết kiệm lớn (từ 500 triệu đồng trở lên) hiện nằm trong ngân hàng thuộc đối tượng khác.
Không rõ Hiệp hội BĐS TP HCM nói đến “đối tượng khác” này là ai? Song, dù là ai thì nhìn vào ngưỡng tiền gửi để đánh thuế là gây ra bất bình đẳng đối với các khách hàng của NH. Bên cạnh đó, nếu số tiền gửi này là thu nhập chính đáng, hợp pháp của người gửi tiền, chắc chắn chủ nhân của nó đã phải đóng thuế thu nhập cá nhân rồi. Nếu đánh thuế tiền gửi tiết kiệm nữa sẽ là đánh thuế 2 lần, là phản chính sách. Thậm chí, những người có số tiền gửi lớn (như ngưỡng đề xuất) sẽ tìm cách lách luật, càng gây nhiễu cho hệ thống tín dụng.
Rõ ràng, nếu thực thi đề xuất này, bên cạnh những tác hại nêu trên, nó sẽ gây tê liệt những chủ trương nhằm ích nước, lợi dân. Trong bối cảnh hiện nay, việc ích nước và lợi dân lớn nhất, xét về mặt kinh tế, là phải giữ vững niềm tin của người dân vào nền kinh tế, tin vào các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, và sự điều hành của Chính phủ trong các hoạt động kinh tế-xã hội. Mục đích tối cao mà người gây dựng niềm tin lúc này cần đạt được là để nhân dân luôn vững tin rằng các chủ trương, chính sách thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế nói chung và cho mỗi người dân nói riêng.
Như thế, cho dù, dòng vốn từ tiền tiết kiệm có lớn thế nào, cũng không thể lớn bằng toàn bộ vốn của nền kinh tế và niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp.... trong nền kinh tế. Do đó, nếu thu thuế thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm để mong lái dòng vốn này vào sản xuất kinh doanh là bất khả thi, phản tác dụng và tối kỵ lúc này, cho dù nó được đề xuất từ bất kỳ căn cứ nào chăng nữa!./.