Mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội đã đưa ra 3 phương án đề xuất để xin ý kiến về kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020.
Phương án 1: Thi tuyển 4 bài độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi thứ 4. Trong đó, bài thi thứ 4 buộc phải thuộc một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân. Bài thi thứ 4 do Sở GD-ĐT Hà Nội công bố vào cuối tháng 3. Thời gian làm bài với môn thi Toán, Ngữ văn là 120 phút/bài, đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút.
Phụ huynh Hà Nội đứng đợi con trước cổng trường trong đợt thi vào lớp 10 năm học 2018-2019. |
Phương án 2 là giữ nguyên phương án tuyển sinh như năm học 2018-2019, tức kỳ thi tuyển kết hợp với xét tuyển.
Phương án 3 là tổ chức thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi Ngữ văn, Toán và 1 bài thi Tổ hợp. Tổ hợp 1 gồm: Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử, Giáo dục công dân, Tổ hợp 2 gồm: Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học.
Trước đó, tháng 4/2018, Sở GD-ĐT Hà Nội công bố, từ năm 2019-2020, thí sinh thi tuyển vào lớp 10 sẽ làm 3 bài thi gồm Toán, Ngữ văn và chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp.
Việc thay đổi nhanh chóng phương án thi đã khiến không ít phụ huynh và thí sinh băn khoăn, lo ngại.
Chị Nguyễn Thu Thảo (Ba Đình, Hà Nội) có con gái vừa bước vào lớp 9 không khỏi lo lắng: “Kỳ thi vào lớp 10 hiện nay đã rất căng thẳng. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, các con không chỉ tập trung ôn mỗi năm lớp 9 mà phải có chiến lược ngay từ những ngày đầu cấp. Đồng ý là Sở GD-ĐT đang hướng đến việc giúp học sinh học toàn diện, nhưng nếu ngay từ đầu năm học, các con chưa biết thi theo phương án nào thì sẽ rất hoang mang, ảnh hưởng đến tâm lý của cả phụ huynh và học sinh. Hoặc nếu thấy gấp rút, Sở GD-ĐT có thể lùi đến năm sau”.
Lần thứ 2 có con chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10, chị Đỗ Xuân Hậu (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Lần thứ nhất có con thi vào lớp 10, cả gia đình tôi đều quay cuồng theo kỳ thi. Hà Nội có số lượng thí sinh đông, chỉ tiêu vào các trường công lại giới hạn, các con phải chật vật lắm mới có tấm vé vào lớp 10. Mới thi 2 môn, các con đã học đến bơ phờ, nếu thi thêm, không biết sẽ còn áp lực đến đâu nữa”.
Thi nhiều môn, làm sao để không áp lực?
Trước những phương án thi vào lớp 10 mà Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra, TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) nghiêng về phương án thứ 3.
“Để chọn được phương án nào, cần thống nhất quan điểm. Theo tôi, đã học phải có thi, học mà không đánh giá sẽ không biết được kết quả. Cấp THCS là để phổ cập, đảm bảo kiến thức tối thiểu cho học sinh vào đời. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các em đang học lệch, học tủ. Có những em khi vừa vào lớp 6 đã chỉ chăm chăm học 2 môn Văn, Toán để thi vào lớp 10. Trên cơ sở đó, phương án chỉ thi 2 môn này là không toàn diện.
Phương án thứ 2, nếu chọn thêm 1 môn, thì sau tháng 3, các em cũng lại bỏ những môn còn lại, tập trung vào học những môn thi. Do đó, cá nhân tôi cho rằng phương án thi môn Toán, Văn, cùng với bài thi tổ hợp, học sinh sẽ học toàn diện hơn, phục vụ mục tiêu phát triển bản thân”.
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, có thể sẽ có không ít phụ huynh lo lắng về việc thi nhiều môn khiến học sinh thêm áp lực, “loạn” học thêm, dạy thêm. Để khắc phục điểm này, Sở GD-ĐT Hà Nội cần sớm đưa ra đề thi minh họa, đồng thời ra đề theo hướng mở, phát triển tư duy, năng lực của người học, tuyệt đối tránh cách học thuộc lòng, học thêm nhồi nhét.
Vì đâu cuộc chạy đua vào lớp 10 ở Hà Nội hỗn loạn?
Thầy Trần Quang Hạnh, Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội) cũng đồng tình với phương án thứ 3. Đánh giá về ưu, nhược điểm của từng cách, thầy Hạnh cho rằng, tuyển sinh lớp 10 dựa trên kết quả thi và xét tuyển như hiện nay đã bộc lộ nhiều điểm bất cập như học lệch, học tủ.
Hơn nữa, việc căn cứ vào học bạ đôi khi sinh ra những kết quả không thực chất. “Không hẳn là tiêu cực, nhưng các thầy cô vì thương học sinh nên cũng có thể tạo điều kiện để các em có thêm điểm cộng. Nếu tất cả đều có tâm lý nâng đỡ cả thì kết quả sẽ không còn thực chất”, thầy Hạnh thẳng thắn chỉ rõ.
Cũng theo vị Hiệu trưởng này, nhìn về số môn học, rõ ràng phương án thứ 2 ít hơn hẳn. Nhưng xét về bài thi, thí sinh sẽ phải làm 4 bài. Mỗi môn đều sẽ phải học rất sâu, như vậy lượng kiến thức cũng không hề giảm tải hơn.
Trong khi đó, nếu thi theo phương án thứ 3, chỉ hỏi những kiến thức thông thường, theo hình thức trắc nghiệm, khoảng 90 phút 4 môn, lượng kiến thức sẽ không quá nhiều. Dù nhiều môn học, nhưng áp lực sẽ không lớn.
Song điều mà thầy Trần Quang Hạnh còn băn khoăn nhất là thời gian công bố phương án thi khá muộn. “Hết học kỳ 1, khoảng tháng 12 hàng năm, Sở nên công bố cho các em biết về môn thi của năm đó để rút ngắn thời gian căng thẳng, hồi hộp chờ đợi. Các em cũng có thời gian để chuẩn bị tốt hơn”, thầy Hạnh cho biết.
Trái ngược với ý kiến của các chuyên gia và nhà quản lý, cô Đoàn Bích Ngọc, một giáo viên dạy Toán bậc THCS tại Hà Nội lại cho rằng, không nên thay đổi cách thi cử để cả học sinh và giáo viên phải "cuống cuồng” chạy theo, trong khi chưa biết chất lượng có tăng hay không, nhưng áp lực thì thấy rõ.
“Tôi cho rằng, càng giảm thiểu thi cử càng tốt. Hiện nay việc học hành thi cử của các con vào lớp 10 rất căng thẳng, tỷ lệ đấu chọi để dành được tấm vé vào trường công còn cam go hơn kỳ thi vào đại học. Hiện nay chỉ thi 2 môn Văn, Toán, các em đã phải học ngày học đêm, hết học gia sư, lại đến trung tâm, học thêm tại nhà thầy cô. Trước mỗi kỳ thi, nhìn em nào cũng uể oải, mệt rã rời. Hơn nữa, ngay trong năm tới đã áp dụng hình thức thi mới, giáo viên cũng tôi cũng rất lo lắng để thay đổi, hướng dẫn các em”./.