Tiếng Anh là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại nhiều địa phương trên cả nước. Trước mỗi kỳ thi, không ít thí sinh băn khoăn tìm phương pháp ôn tập phù hợp trong giai đoạn nước rút.
Trao đổi với VOV.VN, thầy Nguyễn Danh Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (Quốc Oai, Hà Nội), đồng thời là giáo viên môn tiếng Anh tại HOCMAI, có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy môn tiếng Anh cho rằng, để ôn tập hiệu quả, trong thời gian này, học sinh cần viết tóm tắt lại hoặc sơ đồ hóa những kiến thức đã học, căn cứ vào vở ghi, sách giáo khoa, nội dung giáo viên hướng dẫn ôn tập... Học sinh nên hệ thống lại từ vựng theo chủ đề, sau đó đọc phát âm lại từng từ, ôn lại các lớp nghĩa của từ, xem lại các câu có sử dụng những từ vựng đó. Đây là cách vừa ôn lại từ vựng để củng cố và ghi nhớ, vừa mở rộng vốn từ cho bản thân.
Với phần ngữ pháp, thầy Chiến lưu ý việc sơ đồ hóa các chủ đề, cấu trúc và cách sử dụng là không thể thiếu bởi đề thi hiện nay chứa đựng rất nhiều nội dung ngữ pháp. Một số chủ đề ngữ pháp phổ biến bao gồm: động từ (verb tenses, infinitives, modal verbs, constructions using verbs…), danh từ (nouns, compound nouns, nouns phrases, gerunds, nouns followed by prepositions…), tính từ (uses of adjectives, compound adjectives, adjectives followed by prepositions, comparison of adjectives…), các cấu trúc câu đơn (simple sentences), câu ghép (compound sentences), câu phức (complex sentences); câu tường thuật (reported speech); thể bị động (passive voice)... Ngoài ra, các em cũng cần luyện các câu giao tiếp ngắn theo tình huống (exchanges) như cảm ơn, xin lỗi, xin phép, mời, hỏi ý kiến...
Bên cạnh đó, đề thi vào 10 môn tiếng Anh còn đi sâu vào các kỹ năng (đọc, viết, nghe) tùy thuộc vào yêu cầu của từng tỉnh, thành. Do đó, học sinh cần tập trung làm nhiều bài đọc hiểu (reading texts), luyện kỹ năng viết (writing) ở cấp độ câu và đoạn văn như xác định lỗi sai trong câu (error identification), ghép mệnh đề (clause combination), câu gần nghĩa (sentences closest in meaning)... để đạt mức điểm cao hơn.
"Những kỹ năng này cần một quá trình luyện tập liên tục mới thuần thục nên tại thời điểm “nước rút”, các em cần chăm chỉ luyện đề hơn. Đối với phần nghe hiểu (nếu có), các em cần luyện theo giáo trình hoặc nghe hiểu có chủ đích để rèn sự tập trung, tránh phân tâm", thầy Chiến nói.
Theo thầy Nguyễn Danh Chiến, với những học sinh có nền tảng tốt, để đạt điểm cao (8 điểm trở lên) thì cần ôn luyện sâu hơn những kiến thức khó, mang tính học thuật và yêu cầu vận dụng cao. Chẳng hạn như cụm động từ (phrasal verbs), mệnh đề trong các dạng câu phức (conditionals, concessive contrast, relative clauses, clauses of reason, clauses of results, clauses of purpose…), đảo ngữ (inversion), tính từ ghép (compound adjectives), trật tự đúng của tính từ (correct order of adjectives), kết hợp từ (collocations), cụm thành ngữ hoặc tục ngữ cố định (idiomatic expressions)...
Xác định mục tiêu, duy trì điểm mạnh, khắc phục điểm yếu...
Thầy Nguyễn Danh Chiến cũng khuyên học sinh cần đặt ra mục tiêu phấn đấu về điểm số phù hợp với năng lực thực tế và mong muốn của bản thân. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, ảnh hưởng đến tâm lý và hiệu quả ôn luyện nhưng các em đừng vì thế mà sao nhãng, quên đi mục tiêu của mình.
"Muốn hiểu năng lực của bản thân, các em học sinh cần biết điểm mạnh, điểm yếu của chính mình, từ đó duy trì điểm mạnh và củng cố điểm yếu, bổ sung những phần kiến thức đang bị hổng", thầy Chiến nói.
Theo thầy Chiến, trong bối cảnh dịch bệnh, việc học tập và ôn luyện trực tuyến là giải pháp phù hợp. Học sinh có thể chủ động tìm kiếm đề thi trong những năm gần đây tại địa phương và tự luyện đề để nắm được cấu trúc bài thi. Đồng thời, việc luyện đề thường xuyên còn giúp các em kiểm soát thời gian làm bài thực tế, rèn luyện sự tập trung của trí não. Các em học sinh có thể tham khảo đề thi vào 10.
“Hãy đếm số ngày còn lại trước khi bước vào kỳ thi và lập ngay một thời gian biểu chi tiết và tuân thủ thực hiện. Các em nên quy định giờ nào đến lớp hay học trực tuyến, giờ nào tự học, giờ nào nghỉ ngơi, giờ nào ăn uống và đi ngủ…Trong giai đoạn này, các em cần chú ý giữ gìn sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19”, thầy Chiến lưu ý thí sinh.
Đặc biệt, thầy Nguyễn Danh Chiến cũng lưu ý học sinh cần có thần lạc quan, tránh tiếp cận những thông tin sai lệch gây tâm lí hoang mang, ảnh hưởng đến kết quả thi. Theo thầy Chiến, để các sĩ tử có tâm thế tốt nhất, gia đình và nhà trường cần quan tâm đến các em ở nhiều góc độ, tạo điều kiện thuận lợi để các em được học tập và ôn luyện. Các học sinh cũng cần chủ động, trao đổi với bạn học, giúp bạn yếu hơn vì giúp bạn là cách tốt nhất để giúp chính mình./.