Sáng nay (8/7), thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 làm bài thi Khoa học xã hội, hình thức thi trắc nghiệm, mỗi bài thi thành phần, thí sinh có 50 phút để hoàn thành 40 câu hỏi.

Nhận xét về đề thi môn Lịch sử trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, Đinh Trần Tuấn Minh (THPT Việt Đức, Hà Nội) hào hứng chia sẻ, đề thi khá vừa sức với học sinh, có nhiều câu hỏi ở mức cơ bản, tập trung chủ yếu ở chương trình Lịch sử lớp 12.

“Trước kỳ thi em cũng khá sợ môn Lịch sử, vì phải nhớ nhiều mốc thời gian và sự kiện lịch sử, nhưng sau khi hoàn thành bài thi, em cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Trước kỳ thi, em không học thuộc quá nhiều các môn này, mà chủ yếu xem lại nội dung trong SGK và làm một số đề thi thử cũng như đề thi năm trước để hệ thống lại kiến thức. Không xét tuyển đại học theo khối C00 nên em không đầu tư nhiều thời gian cho môn học này, song em tự tin mình có thể đạt mức điểm khá ở bài thi Lịch sử”, Tuấn Minh chia sẻ.

Đánh giá chung về cả 3 bài thi thành phần trong đề thi tổ hợp Khoa học Xã hội, Minh cho rằng, đề thi ơ mức cơ bản, thí sinh không chuyên khối  C  cũng có thể dễ dàng đỗ tốt nghiệp, với những thí sinh học chuyên các môn này để xét tuyển đại học có thể đạt mức điểm khá cao.

Cùng chung tâm trạng hào hứng khi kết thúc hơn 150 phút làm bài thi Khoa học xã hội, Lê Nguyễn Diệu Phương  cho biết, đề thi môn Lịch sử khá dễ: “Em không học kỹ nhưng vẫn làm được bài. Với môn Lịch sử, em chắc chắn đạt trên 6 điểm, đủ để xét tốt nghiệp. Một điểm em khá thích ở đề thi Lịch sử năm nay là có nhiều câu hỏi thí sinh có thể liên hệ, suy luận thay vì phải học thuộc lòng”. Kết thúc bài thi tổ hợp, Phương cho biết đã tự tin hơn rất nhiều để bước vào bài thi Ngoại ngữ vào chiều  - môn thi quan trọng để xét tuyển đại học trong thời gian tới.

Nhận xét về đề thi môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thầy Hồ Như Hiển, giáo viên Lịch sử Trường liên cấp Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) cho biết, đề thi Tốt nghiệp THPT môn Sử năm 2022 gồm 40 câu trắc nghiệm. Nội dung đề thi tập trung vào kiến thức lịch sử lớp 12. Trong đó, kiến thức rơi nhiều nhất vào nội dung lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1975, sau 1975 chỉ có 1 câu vào nội dung lớn của công cuộc bảo vệ tổ quốc và đổi mới đất nước. Tỉ lệ phân bố kiến thức trong đề có một sự thay đổi nhỏ so với đề minh họa năm 2022. Tăng thêm 1 câu trong phần Lịch sử lớp 11.

Theo thầy Hồ Như Hiền, từ câu 1-30, đề thi khá cơ bản, các câu từ 30-35 có độ phân hóa, từ câu 35-40 có độ phân hóa cao hơn.  Nhìn chung, kiến thức trong đề thi thuộc những nội dung cơ bản trong SGK, thuộc phạm vi chương trình học trừ nội dung đã được giảm tải, học sinh trung bình đến khá có thể đạt đến trên 8 điểm, học sinh giỏi có thể đạt điểm trên 9. Tuy nhiên, để đạt điểm 9, 10 ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức thì học sinh cần có tốc độ giải bài nhanh, chính xác, giữ được tâm lý, sức khoẻ ổn định./.