Riêng cụm thi do Sở GD-ĐT Hà Nội chủ trì sẽ bao gồm 692 phòng thi, 31 điểm thi. Hà Nội sẽ cần 837 cán bộ giảng viên của 7 trường ĐH, CĐ phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức kỳ thi để đảm bảo có 50% giám thị là giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia tổ chức thi tại cụm thi địa phương chủ trì. Các trường ĐH, CĐ tham gia lần này gồm: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Thủ đô Hà Nội, ĐH Kiến trúc Hà Nội, CĐ Cộng đồng Hà Nội, CĐ Cộng đồng Hà Tây, CĐ Sư phạm Hà Tây, CĐ Du lịch Hà Nội.

Để tổ chức kỳ thi có quy mô lớn này, 12 trường ĐH, CĐ sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT Hà Nội triển khai 70 điểm thi trên toàn thành phố. Các phương án thi đã được chốt về cơ bản.

Giảm áp lực quá tải thí sinh dự thi

Nói về thuận lợi trong việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 có khoảng 120.000 thí sinh thì năm nay sẽ chỉ có 76.000 thí sinh. Vì vậy, áp lực giao thông, nhà ở, đi lại sẽ giảm rất nhiều. Năm nay, các điểm thi do Sở GD-ĐT Hà Nội chủ trì đều được quy định tỷ lệ cán bộ từ các trường ĐH, CĐ về phối hợp tổ chức thi là 50-50. Việc này sẽ đảm bảo tính công bằng trong chấm thi, coi thi giữa các cụm thi của Sở GD-ĐT chủ trì.

tuyen_sinh_srsw.jpg

Từ phía các trường đại học chủ trì cụm thi năm nay ở Hà Nội cũng có chung nhận định trên. Ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi cho biết, điểm thuận lợi năm nay là số lượng thí sinh đăng ký dự thi tại trường này ít hơn năm ngoái, từ 16.000 thí sinh xuống còn gần 13.000. Tuy nhiên, để đảm bảo thuận lợi cho thí sinh dự thi, ông Kim đưa ra vấn đề cần rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm trước: “Tôi đề nghị công bố sớm quy trình tuyển sinh, tránh tình trạng như năm trước khi nhiều thí sinh có nguyện vọng phúc tra bài thi đã rất lúng túng, chạy đi chạy lại giữa trường và Sở vì không biết lấy mẫu đơn ở đâu, nộp tại đâu” - ông Nguyễn Quang Kim nói.

Lường trước những vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, đại diện ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, kỳ thi THPT Quốc gia tổ chức tại một số điểm thi là trường THCS của Hà Nội sẽ trùng vào thời gian các trường nhận hồ sơ nhập học, sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn khu vực thi. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ chủ động chuyển địa điểm nhận hồ sơ nhập học đối với các trường được sử dụng làm điểm thi trong thời gian diễn ra kỳ thi.

Theo ông Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp, trường này sẽ đảm nhiệm các điểm thi tại khu vực Ứng Hoà, Mỹ Đức và Chương Mỹ của Hà Nội với dự kiến số lượng gần 7.000 thí sinh, phòng thi là 232, 34 thí sinh/phòng. Tuy nhiên, ông Chứ kiến nghị, Sở GD-ĐT Hà Nội cần chuyển sớm dữ liệu thí sinh dự thi vì đến nay con số gần 7.000 mới chỉ dự tính. Trong khi năm ngoái, trường này được dự tính 20.000 thí sinh nhưng chỉ có 11.000 thí sinh dự thi gây khó khăn cho công tác triển khai thi.

Nhờ chấm thi, in sao đề để tiết kiệm chi phí

Một vấn đề được các trường rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm trước là tình trạng phải lập cả một hội đồng chấm thi chỉ vì có 1, 2 thí sinh dự thi môn tự chọn không phổ biến như tiếng Trung, tiếng Nhật... gây tốn kém chi phí, công sức. Năm nay nhiều trường chủ động trước vấn đề này và đặt hàng từ sớm với ĐH Sư phạm Hà Nội để hỗ trợ chấm thi nếu có quá ít bài thi.

Ông Nguyên Công Định, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, các khâu chuẩn bị, phối hợp tổ chức thực hiện coi thi, chấm thi đều đã được chủ động thực hiện đúng kế hoạch. Cụm thi của trường này chủ trì có số thí sinh tương đương năm trước. Cán bộ coi thi và điểm thi đã chủ động về phương án triển khai. Phương án in sao đề thi của cụm thi này là nhờ ĐH Sư phạm Hà Nội nhân đề giúp. Học viện chủ động chấm thi trắc nghiệm, còn các môn thi tự luận sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT Hà Nội cử giáo viên phổ thông chấm thi vì qua một năm thực hiện cho thấy chất lượng chấm thi tốt, không có sai sót.

Bên cạnh đó, một vài trường cũng nêu ra khó khăn trong quá trình triển khai. Đại diện trường CĐ Sư phạm Hà Tây  băn khoăn khi được phân công cử 111 giảng viên trên tổng số 180 giảng viên của trường tham gia giám sát và coi thi. Đại diện trường này đề xuất được giảm bớt lượng cán bộ tham gia với lý do nhiều cán bộ đã lên kế hoạch đặt vé nghỉ hè vì từ nhiều năm nay, trường này chỉ xét tuyển chứ không tổ chức thi tuyển sinh ĐH.

Với thời gian chỉ còn hơn 1 tháng nữa đến kỳ thi THPT Quốc gia, Hà Nội cũng như các địa phương khác cần nắm bắt các vấn đề khó khăn, vướng mắc để có giải pháp khắc phục sớm. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các địa phương lên phương án dự phòng mọi tình huống xấu trong thời gian diễn ra kỳ thi này./.