Không chỉ có nhiều trường đại học (ĐH) tốp đầu (có uy tín, thương hiệu đào tạo) không tuyển đủ thí sinh ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên nên phải thông báo tuyển sinh thêm hàng trăm, hàng nghìn chỉ tiêu ở những đợt xét bổ sung mà nhiều trường ĐH tốp giữa, tốp dưới và ĐH vùng cũng đang rơi vào cảnh tương tự.

Là một trường ĐH vùng, kết thúc đợt 1 xét tuyển, trường ĐH Tây Bắc chỉ tuyển được gần 1.300 thí sinh chính thức đăng ký nhập học vào trường. Như vậy so với chỉ tiêu đào tạo là 2.500 sinh viên, nhà trường đang thiếu hơn 1.200 thí sinh (gần 50% chỉ tiêu đề ra) nên phải thông báo tuyển sinh bổ sung ở các đợt tiếp theo.

Tuy nhiên, từ ngày đầu tiên thực hiện xét tuyển bổ sung đến nay, mỗi ngày, nhà trường tuyển sinh không được nhiều.

anh_2254_vov_yzml.jpg
Thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm 2016

NGƯT.TS Nguyễn Văn Bao, Hiệu trưởng ĐH Tây Bắc cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhiều trường ĐH không tuyển đủ thí sinh. Đó là năm nay, lượng thí sinh đăng ký thi THPT Quốc gia để xét tuyển vào ĐH giảm hơn so với năm ngoái. Học sinh đã có sự nhận thức rõ hơn về việc chọn lựa nghề nghiệp phù hợp để khi tốt nghiệp xin được việc làm, chứ không phải là vào ĐH bằng mọi giá.

Ngoài ra, trong đợt 1, mỗi  thí sinh được đăng ký 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2 và không được thay đổi nguyện vọng nên có thí sinh trúng tuyển cả 4 nguyện vọng.

Còn nếu trong các đợt xét tuyển bổ sung, mỗi đợt thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2, cũng không được thay đổi nguyện vọng, 1 thí sinh có tối đa 6 nguyện vọng nên lượng thí sinh ảo sẽ còn nhiều hơn đợt 1.

Do vậy, các trường ĐH khó xác định thí sinh trúng tuyển vào trường vì lượng thí sinh ảo tăng.

Các trường có dịp nhìn lại chính mình

Không vì lượng thí sinh ảo nhiều mà ĐH Tây Bắc lấy đó là một vấn đề quá nghiêm trọng. Xác định là trong các đợt xét tuyển bổ sung có thể thiếu chỉ tiêu tương đối nhiều nhưng qua đây, nhà trường có dịp nhìn lại việc đào tạo của mình. Điều mà ĐH Tây Bắc đặt trọng tâm nhất sau đợt xét tuyển là tập trung nâng cao chất lượng đào tạo của một trường ĐH vùng.

“ĐH Tây Bắc sẽ yêu cầu giáo viên ngoài tập trung nâng cao chuyên môn nghiệp vụ giảng dạy thì cần dành thêm thời gian, tâm huyết vào công tác nghiên cứu khoa học để phục vụ cho việc đào tạo ở trường ngày càng tốt hơn” - NGƯT.TS Nguyễn Văn Bao nhấn mạnh.

Không cho rằng, lượng thí sinh ảo đông là nguyên nhân chính khiến các trường không tuyển đủ thí sinh ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên, TS Nguyễn Thi Phương, trưởng phòng Công tác Chính trị - Truyền thông (ĐH Mỏ Địa chất) nhận định, các trường ĐH có thể dự đoán được lượng thí sinh ảo nếu nghiêm túc khảo sát nhu cầu thực sự của xã hội đối với các ngành đào tạo của mình.

Các trường ĐH, khoa, ngành đều muốn thu hút thí sinh. Tuy nhiên, áp lực của các trường là phải tự chủ về tài chính. Nếu tăng học phí thì họ sẽ gặp phải sự phản ứng tiêu cực từ xã hội, còn nếu tăng chỉ tiêu đào tạo thì chất lượng khó đảm bảo.

Vì vậy, tự chủ tài chính phải là khâu cuối cùng trong quy trình tự chủ của một trường ĐH. Việc cần làm của các trường ĐH khi muốn thu hút thí sinh là phải được tự chủ về học thuật, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phản biện xã hội.

Đồng quan điểm với việc không phải thí sinh ảo là sự cản trở lớn đối với việc tuyển sinh của các trường ĐH, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo của ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, các trường phải đặt nguyện vọng của người học lên hàng đầu. Thí sinh có quyền được lựa chọn nhiều trường, nhiều ngành nghề khác nhau.

Việc tuyển sinh ĐH có nhiều thí sinh ảo là chuyện rất bình thường theo xu thế chung của nền giáo dục trên thế giới. Ví dụ như trường ĐH Harvard nổi tiếng của Mỹ cũng luôn sẵn sàng đối diện với tình trạng thí sinh ảo.

Các trường không nên vì chuyện thí sinh ảo dẫn đến quá lo lắng mà nên xử lý vấn đề này một cách linh hoạt như gia tăng sức hút, uy tín của trường và tạo được thương hiệu trong lòng thí sinh và xã hội bằng chính chất lượng đào tạo.

Để các trường ĐH có thể cạnh tranh lành mạnh và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, ông Nguyễn Phong Điền kiến nghị, Bộ GD-ĐT nên nhanh chóng tiến hành việc phân tầng các trường ĐH với các tiêu chí rõ ràng về nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... Có như vậy, việc tuyển sinh ĐH sẽ trật tự và khoa học hơn./.