Những năm qua số lượng du học sinh Việt Nam ra nước ngoài học tập và đào tạo ngày càng tăng mạnh, cụ thể du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc đứng thứ 2, còn tại Mỹ, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 9 về số lượng du học sinh. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài năm 2011 là 98.536 học sinh, sinh viên, đến năm 2015, con số này đã tăng lên khoảng 120.000 người, trong đó 90% là du học tự túc. Theo tính toán, mỗi năm Việt Nam đã chuyển ra nước ngoài hàng tỷ USD cho việc giáo dục.
Tuy nhiên, số lượng du học sinh sau khi tốt nghiệp quay về nước công tác, làm việc lại vô cùng ít ỏi. Dù Việt Nam đã có những nỗ lực nhất định, thành phố Hà Nội cũng đã có hẳn 1 đề án thu hút nhân tài, nhưng kết quả cũng mới chỉ như “ném đá ao bèo”.
Thực tế cho thấy nhiều du học sinh ngại về nước sau khi tốt nghiệp. |
Về nước cũng vẫn thất nghiệp như chơi?
Mang bằng cử nhân, thạc sỹ nước ngoài về nước, nhiều bạn trẻ vẫn gặp khó khăn với việc tìm kiếm công việc phù hợp. Vẫn có những bạn trẻ thất nghiệp sau khi về Việt Nam, có người chấp nhận ở lại, cũng có những người tiếp tục quay lại nước bạn để tìm kiếm cơ hội.
Bạn Phạm Thành Vinh, đã có 5 năm học đại học và cao học tại Vương quốc Anh cho biết để có một công việc ổn định như hiện tại, Vinh đã chuyển đến 4 công ty trong vòng 2 năm. Thời gian đầu khi mới về phải mất đến 4 tháng để làm quen lại với mọi thứ và nộp đơn xin việc. Thông báo nhận về sau mỗi lần đều không như mong đợi. Vinh quyết định đi dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ. Sau này Phạm Thành Vinh vào làm việc cho các công ty nước ngoài nhưng mỗi công ty cũng chỉ được vài ba tháng.
Trải qua 2 năm, hiện tại Vinh đã có công việc tương đối ổn định với mức thu nhập khá, Vinh cho biết thời gian đầu thực sự rất khó khăn với việc phải làm quen với văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như tìm hiểu về nhu cầu của thị trường lao động. “Thậm chí nhiều công ty thuần Việt còn tỏ ra ngại tuyển du học sinh về nước”, Phạm Thành Vinh chia sẻ.
Nhiều nhà tuyển dụng cũng thẳng thắn cho rằng không hề có chuyện ưu tiên ứng viên đã có thời gian học tập ở nước ngoài hơn các ứng viên được đào tạo trong nước. Điều quan trọng là khả năng thích ứng và làm việc tại công ty. Như vậy, các du học sinh khi về nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với nguồn nhân lực trong nước, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Một trường hợp khác, dù thuận lợi có được việc làm ngay sau khi về nước, nhưng cảm thấy chưa thực sự phù hợp với khả năng và chuyên môn nên Nguyễn Thế Hùng đã từ bỏ công việc trong một cơ quan nhà nước để trở lại Mỹ.
Nói về vấn đề tại sao du học sinh về nước vẫn có nguy cơ thất nghiệp, hoặc không tìm được việc phù hợp, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc Khu vực phía Nam công ty Navigosearch nhận định cơ hội việc làm tại Việt Nam càng ngày càng tăng cao, khó khăn mà du học sinh gặp phải là cách làm việc. Bà cũng đặt ra câu hỏi: “Các bạn có chuẩn bị sẵn sàng để thay đổi mình không? Đôi khi các bạn có chấp nhận cả những cách làm việc mà theo các bạn là chưa thực sự chuyên nghiệp hay không?”
Bà Mai cho rằng khá nhiều bạn du học sinh kỳ vọng quá nhiều vào môi trường làm việc của mình. Nhiều bạn hy vọng được áp dụng kiến thức chuyên môn của mình vào và thay đổi cách vận hành, hoạt động của công ty. Nhưng trên thực tế lại không được như vậy. Đa số các ông chủ của các công ty đều mong muốn các bạn có thể thay đổi theo văn hóa của công ty đó. Do vậy nhiều công ty chỉ trao quyền nửa vời cho các du học sinh sau khi làm việc chính thức. Việc khôn khéo để hòa hợp cũng như thích ứng là điều cần thiết để các bạn có thể tồn tại./.