Theo lịch của Bộ GD-ĐT, từ ngày 29/8 đến 17h ngày 5/9 thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, đăng ký bổ sung nguyện vọng hoặc chỉnh sửa những sai sót trong đợt đăng ký trước đó.
Năm 2021, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được thay đổi nguyện vọng trực tuyến 3 lần. Với những thí sinh đăng ký thêm số nguyện vọng lớn hơn số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu, hoặc chỉnh sửa sai sót, bổ sung các nội dung liên quan đến đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên… sẽ phải điều chỉnh trực tiếp bằng phiếu và nộp tại điểm thu nhận hồ sơ.
Theo nhiều chuyên gia, nếu so sánh với năm 2020, thì phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng cao hơn ở một số khối thi, do đó, thí sinh cần có chiến lược đúng đắn và cẩn trọng trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường đại học.
Trao đổi với VOV.VN, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết, qua nhiều năm làm công tác tuyển sinh đại học, thực tế nhận thấy vẫn còn nhiều thí sinh bị “mắc bẫy” điểm sàn khi đăng ký xét tuyển đại học.
“Nhiều em có suy nghĩ nhầm lẫn, nghĩ điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn một chút đã có thể trúng tuyển. Thí sinh cần lưu ý, điểm sàn không phải điểm chuẩn, với nhiều trường, khoảng cách giữa 2 điểm này là rất xa.
Muốn phân tích về khoảng cách giữa điểm sàn và điểm chuẩn, có thể nhìn vào điểm những năm trước sẽ thấy có 3 nhóm trường. Thứ nhất, nhóm các trường top dưới, điểm sàn rất thấp, chỉ khoảng 14-15 điểm và điểm trúng tuyển thường bằng điểm sàn. Đây là những trường khó khăn trong tuyển sinh, thậm chí số lượng thí sinh nộp hồ sơ còn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được giao, nên hầu hết thí sinh đăng ký sẽ trúng tuyển.
Nhóm 2 là các trường top giữa, điểm chuẩn thường cao hơn điểm sàn khoảng 1 điểm.
Với những trường top trên, hầu hết điểm chuẩn đều cao hơn điểm sàn rất nhiều. Khoảng cách này có thể từ 1-5 điểm tùy từng trường, từng chuyên ngành”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết.
Chuyên gia tuyển sinh này đưa ra lời khuyên cho thí sinh không nên “mắc bẫy” điểm sàn mà cần căn cứ vào điểm chuẩn những năm trước để có sự lựa chọn đúng đắn. Đơn cử như năm 2021, đề thi tốt nghiệp THPT được cho là nhẹ nhàng hơn năm trước, phổ điểm nhiều môn cao hơn, có thể dự đoán mặt bằng điểm chuẩn cũng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, số lượng thí sinh từ 26 điểm trở lên không phải quá nhiều. Với những thí sinh đăng ký vào các ngành “hot” có điểm chuẩn năm 2020 từ 24 điểm trở lên, nếu tổng điểm thi 3 môn theo tổ hợp xét tuyển bằng điểm năm ngoái, có thể mạnh dạn đăng ký, xác suất trúng tuyển khoảng 50%. Nếu điểm thi năm nay cao hơn điểm chuẩn năm ngoái 1 điểm, thì tỷ lệ trúng tuyển khoảng 75%, còn nếu thí sinh có điểm thi cao hơn điểm chuẩn năm ngoái từ 2 điểm trở lên, tỷ lệ đỗ gần như tuyệt đối.
Khi điều chỉnh nguyện vọng, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng lưu ý, thí sinh cần loại bỏ các ngành có điểm sàn cao hơn điểm thi và ngành điểm chuẩn năm trước cao hơn điểm thi đạt được. Thí sinh nên sắp xếp các ngành “hot”, yêu thích nhất lên nguyện vọng ưu tiên số 1, ở nguyện vọng 2, thí sinh vẫn nên chọn ngành mình yêu thích, nhưng ở trường có mức điểm thấp hơn. Ở các nguyện vọng sau, thí sinh nên đăng ký những ngành gần với ngành có mong muốn theo học. Ví dụ, yêu thích ngành Logistic, có thể đăng ký ngành gần với ngành này là Quản lý công nghiệp, hay thí sinh thích học ngành CNTT có thể dự phòng thêm ngành Kỹ thuật dữ liệu, muốn học ngành ô tô, có thể đăng ký dự phòng ngành Cơ khí, Chế tạo máy…
Thầy Dũng cho rằng, mỗi thí sinh nên đăng ký từ 10-15 nguyện vọng sắp xếp theo nguyên tắc trên để tỷ lệ trúng tuyển vào nguyện vọng mong muốn là cao nhất.
“Điểm chuẩn các trường sẽ giao động rất lớn trong những ngày thay đổi nguyện vọng tùy thuộc vào dòng chảy thí sinh từ trường này sang trường kia trong một khu vực tuyển sinh, thay đổi dựa vào số lượng nguyện vọng đăng ký… Nên nếu ngành các em yêu thích, nhưng điểm thi chỉ ngang bằng với điểm chuẩn năm ngoái, thì vẫn nên đặt ưu tiên ở nguyện vọng 1. Sai lầm của nhiều thí sinh là đặt các nguyện vọng dễ đỗ ở phía trên, những trường “hot” hơn, có điểm cao hơn và yêu thích hơn ở phía dưới, nên dù có đủ điểm cũng sẽ không trúng tuyển”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng lưu ý.
Còn theo TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, năm nay thí sinh có nhiều thuận lợi hơn khi được điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến 3 lần thay vì 1 lần như những năm trước. Tuy nhiên, nếu không biết lựa chọn, sắp xếp các nguyện vọng thì thí sinh cũng có nguy cơ không trúng tuyển ngay đợt 1, phải đợt xét tuyển đợt 2.
“Khi thay đổi nguyện vọng các em cần có kế hoạch rõ ràng, liệt kê hết các nguyện vọng đã đăng ký và nguyện vọng muốn đăng ký thêm, đối chiếu với điểm chuẩn năm trước và căn cứ vào điểm thi để sắp xếp lại. Thí sinh cần thực hiện cẩn thận, tránh việc bỏ sót, quên các nguyện vọng. Các em cũng không cần quá lo lắng, mặc dù điểm thi năm nay cao hơn năm trước, nhưng do tình hình dịch bệnh, nhiều thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác, không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT đã xác nhận nhập học từ sớm, như vậy số lượng thí sinh xét tuyển bằng điểm thi sẽ giảm, cơ hội cho các thí sinh khác nhiều hơn”, TS Nguyễn Đào Tùng cho biết.
Nếu thí sinh có điểm thi năm nay cao hơn điểm chuẩn năm trước của ngành đăng ký xét tuyển khoảng 2 điểm thì tương đối an toàn, cơ hội trúng tuyển cao./.