Theo dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2021 của Bộ GD-ĐT, điểm trúng tuyển với các thí sinh theo yêu cầu đặt hàng của địa phương không thấp hơn điểm trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo.
Trường hợp UBND cấp tỉnh đặt hàng để đào tạo lao động cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp của tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; đối tượng thí sinh là người có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm cấp Trung học phổ thông tại địa phương; cam kết sử dụng sinh viên tốt nghiệp thì điểm trúng tuyển có thể thấp hơn nhưng không thấp hơn quá 1 điểm so với điểm trúng tuyển của chương trình/ngành đào tạo, tính theo thang điểm 30 và không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng theo quy định của chương trình/ngành tuyển sinh.
Ông Nguyễn Hữu Công, Phó giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng, với những thí sinh khu vực ”3 Tây” gồm Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ đăng ký xét tuyển theo đơn đặt hàng của địa phương, mức giảm 1 điểm vẫn còn thấp.
”Nếu giảm 1 điểm, vẫn sẽ rất ít thí sinh trúng tuyển. Ví dụ, điểm chuẩn của một ngành thuộc ĐH Y Hà Nội là 27 điểm, giảm 1 điểm còn 26 vẫn rất cao. Nên địa phương có nhu cầu nhân lực nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu vì mức điểm này vẫn rất cao với những thí sinh ở khu vực khó khăn. Nếu được, nên giảm khoảng 2 điểm, thay vào đó các em sẽ có thêm 1 kỳ học dự bị”, ông Nguyễn Hữu Công đề xuất.
Đại diện Sở GD-ĐT Lâm Đồng cũng cho biết, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc phối hợp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu tại chỗ, trong khi sức tuyển dụng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là rất lớn.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, các thí sinh ở khu vực vùng sâu vùng xa đã được cộng điểm ưu tiên cao hơn những khu vực khác, do đó mức chênh lệch 1 điểm là hợp lý. Tuy nhiên, Thứ trưởng Sơn cũng giao Vụ Giáo dục đại học nghiên cứu thực tế về đề xuất này.
Ngoài ra, theo dự thảo phương án tuyển sinh đại học 2021, các thí sinh sẽ được thay đổi nguyện vọng 3 lần thay vì 1 lần như những năm trước.
GS Nguyễn Minh Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội lại đề xuất chỉ nên cho thí sinh thay đổi nguyện vọng 2 lần. “Các em đã có 1 lần đăng ký đầu tiên, sau đó có thêm 2 lần thay đổi nữa, tức có 3 lần để cân nhắc về việc chọn các nguyện vọng. Nếu thời thay đổi nguyện vọng đến 3 lần sẽ rất mất thời gian của các thí sinh, ảnh hưởng tới thời gian các trường đón sinh viên vào học".
PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Hiệu trưởng Học viện Tài chính cho rằng cần quy định và hướng dẫn cụ thể trong 3 lần thay đổi nguyện vọng, thí sinh được mấy lần thay đổi trực tiếp và mấy lần thay đổi trực tuyến. Nếu thay đổi nguyện vọng 3 lần trực tiếp sẽ “đội” số lượng công việc của các Sở GD-ĐT lên rất nhiều.
“Bộ nên cân nhắc quy định cụ thể để thí sinh thay đổi nguyện vọng 3 lần theo phương thức trực tuyến, giảm tải cho các địa phương và thuận lợi cho chính thí sinh. Bên cạnh đó, thực tế trong công tác tuyển sinh của Học viện Tài chính cũng có nhiều trường hợp thí sinh đăng ký nguyện vọng theo hướng điều chỉnh nguyện vọng mà không nhớ mình đã thay đổi nguyện vọng thế nào”, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng nói.
Trong khi đó, đại diện các trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y Hà Nội lại ủng hộ phương án cho thí sinh thay đổi nguyện vọng 3 lần.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ sẽ quy định thời gian thay đổi nguyện vọng từ 5-7 ngày. Trong khoảng thời gian này, thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng tối đa 3 lần theo phương thức trực tuyến. Như vậy cùng một khoảng thời gian, chỉ tăng số lần thay đổi nguyện vọng sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh của các trường.
Trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ chỉ đạo bộ phận kỹ thuật thiết kế để có thể gửi xác nhận qua mail cho những thí sinh đã thay đổi nguyện vọng thành công./.