Chiều 21/4, tại buổi giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội trả lời báo chí về những nội dung đang được dư luận quan tâm về tuyển sinh lớp 6 năm học 2015-2016 tại Hà Nội.

Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh việc Hà Nội thay đổi phương thức tuyển sinh đối với một số trường THCS có nhiều hồ sơ hơn so với chỉ tiêu, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, từ tháng 3/2015, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Chỉ thị 5105 về chấn chỉnh học thêm dạy thêm trên toàn quốc, trong đó có cấm các trường không khảo sát học sinh đầu cấp và tuyển sinh vào lớp 6. Sở GD-ĐT Hà Nội nhận thấy, đây là vấn đề mới và cần tính đến đặc thù thủ đô đang xây dựng hệ thống trường chất lượng cao.

ong_pham_van_dai_csfg.jpgÔng Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội

Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản và xin ý kiến của Bộ GD-ĐT về đặc thù giáo dục thủ đô. Khi nhận được văn bản, Bộ GD-ĐT đã phản hồi lại bằng văn bản 1258, yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc không tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt là lớp 6.

“Để ban hành quyết định về hành chính, Sở GD-ĐT Hà Nội phải làm thận trọng trên cơ sở khoa học. Trước hết, Sở phải thu thập tất cả thông tin và ý kiến chuyên gia. Chúng tôi đề nghị các trường có lượng học sinh đăng ký vượt chỉ tiêu phải xây dựng đề án khả thi về tuyển sinh cho phù hợp với đặc điểm của trường” – ông Đại nói.

Khi các đề án được trình lên, theo ông Đại, Sở GD-ĐT Hà Nội đã mời các chuyên gia, nhà khoa học, dư luận xã hội, nhân dân, cơ quan báo chí và phụ huynh học sinh góp ý giải quyết vấn đề tuyển sinh vào lớp 6 một cách chặt chẽ, khoa học.

Sau đó, Sở GD-ĐT Hà Nội đã họp với các nhà giáo, nhà khoa học, các nhà trường về những đề án tuyển sinh được đưa ra. Khi trao đổi, Sở nhận thấy có 3 trường THCS có khả năng thử thí điểm là THCS &THPT Nguyễn Tất Thành- đơn vị thực hành sư phạm và nơi đào tạo học sinh làm cơ sở thực hành cho giáo viên các trường sư phạm, có thể ứng dụng tiến bộ khoa học vào đổi mới phương pháp dạy và học. Trường này đề xuất phương án xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực học sinh.

Trường thứ hai và thứ ba là THCS Lương Thế Vinh và Marie Curie có đề xuất phương án đánh giá năng lực qua các trò chơi trí tuệ, EQ, IQ.

Sau khi xem xét phương án tuyển sinh vào lớp 6 của 3 trường THCS trên, Sở GD-ĐT Hà Nội nhận thấy, các phương án của 3 trường có thể làm đột phá tuyển sinh cho ngành Giáo dục, chuyển từ đơn môn sang đa môn và kích thích năng lực sáng tạo trong học sinh” – ông Phạm Văn Đại nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Đại cho biết thêm, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng nhận thấy, việc lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, cha mẹ học sinh và thông tin đại chúng đối với các phương án tuyển sinh của 3 trường là rất cần thiết. Theo đó, có 2 luồng ý kiến. Thứ nhất,  đồng tình và cho rằng phương pháp đánh giá IQ, EQ… là phương pháp tiên tiến thế giới hay dùng trong tuyển sinh và tuyển dụng trong các công ty, tập đoàn lớn.

Luồng ý kiến hai là muốn đánh giá IQ, EQ cần cơ sở hoặc trung tâm bên ngoài trường học mới đánh giá năng lực thực sự của người học. Theo đó, cần có hệ thống giáo sư, chuyên gia nghiên cứu về cách đánh giá IQ, EQ mới có thể đưa câu hỏi chính xác, phù hợp lứa tuổi học sinh.

Trong khi hiện nay, các trường THCS còn thiếu chuyên gia, các câu hỏi IQ, EQ đưa ra còn chưa phù hợp lứa tuổi. Xét thấy các phương án khảo sát học sinh lớp 6 bằng hình thức kiểm tra IQ, EQ… chưa được phổ biến trong xã hội; học sinh có thể sẽ bị một áp lực mới thay vì học các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ sẽ lại đi học thêm để làm sao làm được các bài test IQ, EQ nên Ban Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đã quyết định điều chỉnh phương án bằng hình thức xét tuyển với tất cả các trường tuyển sinh vào lớp 6 trong năm 2015-2016./.