Một sự chuyển động mạnh mẽ trong lĩnh vực soạn sách giáo khoa (SGK) giáo hiệu tính đa dạng của mặt hàng đặc biệt này, đồng thời cũng đòi hỏi người sử dụng phải thực sự sáng suốt khi lựa chọn.
Hồi đầu năm, Sở GD&ĐT TP HCM quyết định viết SGK ở một số môn bậc THCS dựa theo chuẩn kiến thực kỹ năng của Bộ GD&ĐT.
Việc này được loan báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin hẳn đã có sự nhất trí từ phía Bộ GD&ĐT. Theo kế hoạch, đến thời điểm này, công việc đã hoàn tất.
Như chúng tôi đã có dịp thông tin, bộ sách tiếng Việt lớp 1 công nghệ GD, của Trung tâm Công nghệ GD, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã được 10 tỉnh tham gia thí điểm trong năm học này.
Một hội nghị đánh giá công tác thí điểm sách tiếng Việt 1 công nghệ GD cũng vừa được tổ chức cách nay vài tháng với sự có mặt của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Những đánh giá ban đầu của các tỉnh thí điểm cho thấy, việc dạy và học sách tiếng Việt lớp 1 công nghệ GD có nhiều ưu điểm.
Nhóm Cánh buồm, do ông Phạm Toàn chủ trì, tiếp tục khiến dư luận quan tâm khi mới đây giới thiệu bộ sách lớp 1, gồm các cuốn: tiếng Việt, tiếng Anh, Văn, Lối sống và Tin học. Hiện một vài trường đang dạy bộ sách này với tư cách tài liệu tham khảo.
Khi được hỏi về sự kiện nhóm Cánh buồm vừa ra mắt bộ sách nói trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, ông Hiển không bình luận gì về bộ sách nói trên, đồng thời cho biết: “Bộ GD&ĐT chỉ làm theo Luật”.
Trong khi đó, cách đây không lâu, tại hội nghị triển khai thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3, Bộ GD&ĐT đã có một quyết định táo bạo, mang tính cách mạng, được nhiều người đồng tình. Đó là việc cho phép các trường tự chọn giáo trình tiếng Anh để dạy cho học sinh mà không nhất thiết phải dạy bằng SGK của Bộ.
Bộ GD&ĐT cho biết năm 2015 sẽ thay đổi chương trình SGK. Điều này tiếp tục được xác nhận trong Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XI.
Phải chăng đây là những động thái đầu tiên để tiến tới việc có những thay đổi cơ bản trong việc biên soạn cũng như sử dụng SGK thời gian tới?./.