Điển hình như cô giáo mầm non tư thục Sen Vàng, ở quận Hai Bà Trưng dùng dép đánh vào đầu bé. Mới đây nhất là vụ việc Hiệu trưởng và Phó Hiệu Trường Trường Tiểu học Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy cố tình trốn tránh trách nhiệm khi đi xe taxi vào sân trường đâm gãy chân học sinh.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhưng dư luận vẫn lo ngại một bộ phận đội ngũ chuyên môn giáo viên còn thiếu đạo đức nhà giáo và đảm bảo an toàn trong cơ sở giáo dục. 

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về nội dung này.

PV: Thưa ông, với hình thức kỷ luật cách chức Hiệu trưởng và Hiệu phó Trường Tiểu học Nam Trung Yên đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

Ông Phạm Xuân Tiến: Sự việc ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên khi một học sinh bị gãy chân không phải là một sự việc phức tạp, nhưng do cách xử lý của Hiệu trưởng và Hiệu phó làm nó trở nên phức tạp ở một số điểm. Khi xảy ra sự việc thì đầu tiên phải quan tâm đưa cháu đi cấp cứu và thăm hỏi động viên tinh thần, chăm sóc sức khỏe cháu, nhưng các cô không làm được điều đó.

nha_giao_hhox.jpg
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội

Ở tất cả các môi trường thì môi trường giáo dục rất cần sự quan tâm của thầy cô đối với học sinh, bởi cô giáo như mẹ hiền. Chúng tôi rất tiếc việc các cô không làm được điều đó và khi phụ huynh học sinh có ý kiến xem xét cụ thể đến nguyên nhân để xảy ra tai nạn của cháu bé, thì các cô lại trốn tránh trách nhiệm làm cho dư luận xã hội trở nên bức xúc. Ủy ban nhân dân quận ra quyết định kỷ luật cách chức, tôi cho là phù hợp.

PV: Qua vụ việc đáng tiếc này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã rút kinh nghiệm và sẽ đưa ra các giải pháp chấn chỉnh đạo đức nhà giáo như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Tiến: Đây là lời cảnh báo nhắc nhở đối với tất cả đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trong ngành giáo dục đào tạo, chứ không phải chỉ là ở một cấp học nào hay một trường nào cả. Sự việc xảy ra phải báo cáo với cấp quản lý trực tiếp để nắm rõ được sự việc cùng phối hợp giải quyết.

Chúng tôi có văn bản chỉ đạo cụ thể đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn thành phố để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm vấn đề đạo đức nhà giáo và tích cực thực hiện tốt cuộc vận động mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo. Tấm gương đạo đức ở đây không chỉ đơn giản là nói năng lịch sự, lễ phép, ăn mặc lịch sự đứng đắn mà đây là đạo đức nghề nghiệp, đạo đức của một người với tư cách là một nhà giáo.

Trường Tiểu học Nam Trung Yên, nơi xảy ra vụ việc đáng tiếc (Ảnh: KT)

Ý thức trách nhiệm của giáo viên cũng như cán bộ quản lý, đặc biệt đạo đức, luôn luôn phải nghĩ rằng học sinh như con của mình và đối xử với học sinh như đối xử với con mình; không để tình trạng trẻ chưa ngoan hay trẻ biếng ăn, hay trẻ có hành vi chưa được lễ phép mà có phản ứng xúc phạm đến nhân phẩm, thân thể học sinh.

Hiện nay, chúng tôi đang yêu cầu các nhà trường xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường. Căn cứ vào chỉ đạo chung các trường sẽ xây dựng bộ quy tắc ứng xử theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời thực hiện cùng với bộ quy tắc ứng xử của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành.

PV: Hiện nay, có tình trạng một số trường học đã tận dụng sân trường để cho gửi xe ô tô và giáo viên đi xe ô tô đến trường. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có những văn bản chỉ đạo như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Tiến: Chúng tôi có văn bản chấn chỉnh không cho phép xe ô tô vào trong sân trường. Xe ra vào sân trường phải đảm bảo không trong thời gian đầu giờ và cuối giờ học để không làm ảnh hưởng tới học sinh. Ngay cả giáo viên cũng không được phép đi ô tô vào trong trường khi học sinh đang trong giờ ra chơi.

PV: Xin cảm ơn ông!./.