Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục và phát triển con người Việt Nam.
Chiều 22/4, Bộ GD-ĐT tổ chức họp thông báo cụ thể về những điểm mới căn bản sẽ thực hiện trong việc làm chương trình và biên soạn SGK giáo dục phổ thông trong thời gian tới.
Theo Bộ GD-ĐT, thực tế, chuẩn bị cho việc thực hiện đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông, trong thời gian qua, Bộ đã khẩn trương triển khai phân tích, đánh giá chương trình bộ SGK hiện hành so với mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội khóa X và yêu cầu đổi mới của Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 88 nhằm nhận diện đúng thực trạng, thành tựu và hạn chế của công tác biên soạn và tổ chức thực hiện chương trình, SGK trong giai đoạn vừa qua. Từ đó, Bộ rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp khoa học, khả thi làm cơ sở xác định nguyên tắc, nội dung và định hướng đổi mới chương trình, SGK giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo.
Để có được chương trình, SGK mới một cách hoàn thiện và kỹ lưỡng, Bộ GD-ĐT đã trưng cầu ý kiến đóng góp của các nhà giáo, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức, Bộ, ngành và đông đảo tầng lớp nhân dân.
Ông Đoàn Văn Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, các cơ sở giáo dục trong toàn ngành về các nội dung đổi mới. Bên cạnh đó là tuyên truyền rộng rãi, để các tầng lớp nhân dân có đầy đủ thông tin, tạo sự đồng thuận trong nhận thức cũng như hành động về các chủ trương, định hướng đổi mới chương trình, SGK theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội cũng như các việc Bộ đang làm.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, công bố công khai để lấy ý kiến rộng rãi. Đồng thời là phát hiện, bổ sung lực lượng tham gia xây dựng chương trình, biên soạn SGK; xây dựng, hoàn thiện và công bố công khai, minh bạch tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn người tham gia Ban biên soạn chương trình, SGK, hội đồng thẩm định chương trình, SGK.
Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trước chương trình bộ môn
“Quy trình xây dựng chương trình và sách giáo khoa lần này đã tách bạch rất rõ giữa làm chương trình và biên soạn sách giáo khoa. Việc làm chương trình phải được tiến hành trước, sau đó căn cứ vào chương trình thì mới biên soạn sách giáo khoa nhằm đảm bảo được sự thống nhất, khoa học và có tính sư phạm, khả thi và độ tin cậy cao. Đây cũng là điểm mới căn bản so với những làm chương trình SGK trước đây.
Quá trình thực hiện chương trình SGK sẽ được thực hiện theo cách làm chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trước. Sau đó, mới ban hành chương tình giáo dục các môn học. Khi đã có chương trình giáo dục các môn học, Bộ GD-ĐT mới ban hành bộ để cương SGK và cuối cùng mới tiến hành biên soạn SGK” - ông Đoàn Văn Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh.
Lộ trình thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông được thực hiện theo các giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất (từ tháng 4/2015 – 6/2016) với mục tiêu đặt ra là phải ban hành được chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học.
Giai đoạn thứ 2 (từ 7/2016 - 6/2018) phấn đấu ít nhất phải ban hành được bộ SGK cho lớp 1, 6, 10 nhằm đảm bảo năm học 2018-2019 có ít nhất một bộ SGK để thực hiện cuốn chiếu theo từng cấp học.
Giai đoạn thứ 3 (7/2018 cho đến năm 2023) thực hiện lộ trình cuốn chiếu, bắt đầu năm học 2018-2019 thực hiện lộ trình cuốn chiếu theo từng cấp học, từ lớp 1, 6, 10. Trong lộ trình của Đề án cũng chỉ rõ hoạt động của từng năm để đảm bảo đến năm 2022-2023, tất cả chương trình, SGK mới sẽ được áp dụng triển khai đại trà trên toàn quốc.
SGK mới sẽ tích hợp các môn học
Chương trình tổng thể để biên soạn SGK được xây dựng theo hướng coi trọng năng lực và phẩm chất toàn diện của học sinh, chứ không dừng lại ở việc trang bị kiến thức.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, năng lực và phẩm chất của học sinh phải được áp dụng vào trong thực tiễn của cuộc sống, kết quả công việc của học sinh sau này. Việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông cũng tác động tới ý thức tự học, tự tìm tòi và sáng tạo của học sinh để khi học hết cấp Trung học cơ sở các em có thể ra ngoài thực tế được, hiểu rõ được nhân cách, trách nhiệm của một công dân. Để phát triển nghề nghiệp trong tương lai thì học sinh đó phải không ngừng tự học, học thường xuyên.
Chương trình SGK phổ thông sẽ theo hướng tích hợp các môn học với nhau và giảm số môn học xuống. Những môn học nào có kiến thức liên quan sẽ được sắp xếp gần nhau hơn nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức vào trong thực tiễn cuộc sống cũng như giảm thời gian giảng dạy nhiều lần của giáo viên.
Việc đổi mới chương trình, SGK phổ thông cũng sẽ hướng dẫn cho học sinh học hết cấp THCS biết được năng lực của bản thân, hiểu được những nghề nghiệp ngoài xã hội để có định hướng học tiếp lên cấp THPT hay là học hết cấp THCS thì sẽ chuyển sang học nghề hoặc chọn hình thức vừa học vừa làm.
“Bộ GD-ĐT sẽ thiết kế chương trình, SGK theo hướng phân hóa dần trình độ của học sinh cấp THPT theo hướng năm lớp 10 phân hóa ít hơn và phân hóa mạnh vào năm lớp 11 và 12. Như vậy, khả năng học đồng đều của học sinh sẽ ít hơn và cách thức học tập ở cấp THPT sẽ khác nhiều so với hiện nay. Để làm được việc này thì các trường THPT sẽ được đầu tư tăng số lượng phòng học, số giáo viên sẽ được điều động linh hoạt hơn sao cho đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.
Sắp tới, những kiến thức quá khó, không cần thiết ở bậc giáo dục phổ thông có thể bỏ hẳn và thay vào đó là những kiến thức góp phần phát triển năng lực toàn diện của người học sẽ được tăng lên”- Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói.
Nhằm xây dựng bộ SGK hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục, Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông có điểm mới là khuyến khích các tổ chức, cá nhân có năng lực cùng tham gia biên soạn. Bộ GD-ĐT cũng đề ra những tiêu chí cơ bản đối với người xây dựng chương trình SGK như phải có phẩm chất đạo đức tốt, giỏi về khoa học và có năng lực sư phạm, biết vận dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn trong quá trình giảng dạy.
Song song với thực hiện Đề án Đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông, còn có 2 đề án phải thực hiện là Đề án phát triển đội ngũ giáo viên và Đề án phát triển cơ sở vật chất trường học./.