Chia sẻ tại “Hội nghị tổng kết năm học 2014 – 2015 và triển khai nhiệm vụ năm học 2015 – 2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên”, do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 12/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, ông đã nhận được thư điện tử của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vào lúc 0h18 ngày 12/8.
Phó Thủ tướng chia sẻ câu chuyện và khẳng định “anh em trong ngành Giáo dục rất vất vả, tâm huyết”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị |
4 hạn chế của ngành Giáo dục
Tại hội nghị, bên cạnh sự ghi nhận những nỗ lực của ngành Giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thẳng thắn nêu 4 hạn chế của Bộ GD-ĐT trong thời gian qua. Đó là:
Thứ nhất, về cơ sở vật chất. Phó Thủ tướng cho biết, điều này một phần cần sự nỗ lực từ phía địa phương. Phía Trung ương đã có các chương trình kiên cố hóa trường học, có đề án 36.000 tỉ đồng và đã chi vượt con số này nhưng chưa làm hết được. Nếu để kiên cố hóa được hết như ý tưởng trong Đề án ngành Giáo dục đưa ra 2 năm trước đây thì cần trên 50.000 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng nói: “Tôi cho rằng, trong vòng 5 năm tới, ngân sách không thể thu xếp được con số này. Bộ Giáo dục cần có phương án làm việc sát hơn với Bộ Tài tính, Kế hoạch- Đầu tư tìm phương án khả thi và tinh thần là chỗ khó nhất nên làm trước. Giả sử không có chương trình đổi mới sách giáo khoa thì vẫn phải kiên cố hóa trường học và ngược lại”.
Hạn chế thứ hai, theo Phó Thủ tướnglà về Thông tư 30. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta đang theo đúng xu thế của thời đại, phù hợp truyền thống lâu nay, tiến tới việc các cháu vượt lên chính mình chứ không phải để ganh đua với người khác.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần rút kinh nghiệm, đó là một chủ trương mới cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đã xác định đúng đắn thì làm phải kiên trì, điều quan trọng là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích.
Vấn đề thứ ba Phó Thủ tướng nêu là việc dạy thêm, học thêm và công tác vệ sinh ở một số trường chưa tốt. Phó Thủ tướng khẳng định, xã hội hiện đang tồn tại rất nhiều điều bức xúc liên quan đến giáo dục như giáo dục học đường, bạo lực trong giới trẻ, tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, các cá nhân bên ngoài xã hội thiếu gương mẫu, cụ thể như không tôn trọng luật giao thông, chen lấn nơi công cộng…
“Nếu người thầy không gương mẫu thì dù có tuyên truyền như thế nào đi chăng nữa cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến các cháu học sinh. Nếu dạy các cháu vệ sinh sạch sẽ mà trong nhà trường luộm thuộm thì các cháu sẽ nghĩ ra sao? Bộ quy định cấm dạy thêm nhưng giáo viên cứ dạy thì làm sao giáo dục được các em?. Do đó chúng ta phải gương mẫu để các em noi theo, không có cách nào khác” – Phó Thủ tướng nói.
Điểm thứ tư Phó Thủ tướng nêu ra, đó là việc giáo dục lối sống, kỹ năng sống cho học sinh còn yếu.
Bộ GD-ĐT đã lắng nghe và điều chỉnh kịp thời
Bên cạnh đó, công tác xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2015 cũng được Phó Thủ tướng đặc biệt quan tâm và đề nghị Bộ GD-ĐT hết sức lắng nghe phản ánh của xã hội để có những điều chỉnh kịp thời.
Phó Thủ tướng ghi nhận: “Động thái tích cực mới đây nhất là vào tối qua (11/8) Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh, cho phép thí sinh muốn thay đổi nguyện vọng được nộp hồ sơ tại Sở GD-ĐT, trường THPT. Chúng ta cần tiếp tục lắng nghe, tiếp thu, điều chỉnh, tất cả vì các em.
Dù có khó cho giáo viên chúng ta cũng phải cố, khó cho Bộ, cho chính quyền chúng ta cũng phải cố, miễn là tốt cho học sinh. Tóm lại, vì học sinh thì khó khăn đến đâu chúng ta cũng vẫn phải quyết tâm làm”./.