2 ngày qua, nhiều tờ báo đăng tin sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất thực hiện đề án “SGK điện tử và máy tính bảng dành cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3” ngay trong năm học 2014-2015. Mục tiêu của đề án được đưa ra là “nhằm đáp ứng xu hướng toàn cầu về ứng dụng CNTT vào cải cách giáo dục và kinh nghiệm thành công của các nước trong việc đầu tư cho sách giáo khoa điện tử, máy tính bảng, tạo môi trường học tập thông minh, hiệu quả cao”.
Theo đó, TP.HCM sẽ trang bị trên 337.500 máy tính bảng cho giáo viên và học sinh lớp 1, 2, 3 tại 451 trường tiểu học với tổng kinh phí thực hiện thí điểm dự kiến 4.000 tỷ đồng. Các lớp học được trang bị wifi, mỗi học sinh sử dụng 1 máy tính bảng riêng, trong đó cài đặt nội dung SGK chính thức của Bộ GDĐT ở tất cả các môn học.
Đề án thí điểm trong năm học 2014 - 2015, với 60% số lượng giáo viên và học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 tham gia. Nguồn ngân sách sẽ trang bị cho các giáo viên khoảng hơn 10.000 chiếc máy tính bảng và hơn 5.000 chiếc cho học sinh thuộc diện đối tượng chính sách. Các học sinh không thuộc đối tượng chính sách thì phụ huynh chịu kinh phí hoàn toàn với giá tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.
Hiện đề án đang đợi Bộ GD-ĐT phê duyệt nhưng đã nhận được phản hồi không đồng tình từ rất nhiều người. Ở lứa tuổi bắt đầu đến trường, trẻ con cần học những gì? Học tác phong của một học sinh, rèn luyện nền nếp, giờ giấc sinh hoạt; làm quen với trường học, bạn bè, thày cô; làm quen với thiên nhiên, cuộc sống, mọi người xung quanh… Những điều đó quan trọng hơn rất nhiều so với lợi ích do chiếc máy tính bảng mang lại. Máy tính bảng có thể khiến cho các bài học hấp dẫn hơn bởi các hình ảnh, âm thanh minh họa. Tuy nhiên, có nhà sư phạm cho rằng: Sự cung cấp đầy đủ về phương diện nghe nhìn làm giảm năng lực tưởng tượng của học sinh qua các bài học.Hiện nay các học sinh đều dùng những bộ sách giáo khoa như nhau. Còn giả sử nếu sử dụng sách giáo khoa điện tử, thì ở lớp 1,2,3, các học sinh non nớt sẽ chứng kiến, sẽ bị ảnh hưởng bởi sự phân biệt giàu nghèo rõ rệt. Phụ huynh có thu nhập thấp thì chỉ có thể mua cho con mình những loại máy tính bảng rẻ tiền, bởi kể cả khi chưa phải sắm máy tính bảng thì họ cũng đã chật vật với các khoản chi phí đầu năm học cho con mình rồi. Trong khi đó, cùng một lớp học, sẽ có những học sinh gia đình khá giả được cha mẹ sắm cho máy tính cấu hình cao, chất lượng tốt.Ở nhiều nước tiên tiến, người ta khuyến cáo hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với thiết bị điện tử, vừa hại sức khỏe, đặc biệt là hại mắt, vừa không tốt cho khả năng tập trung của trẻ. Hay ngay ở Thái Lan, dự án “Mỗi học sinh một máy tính bảng” được khởi xướng vào năm 2012 đã bị xóa bỏ từ tháng 5/2014 vì những hệ lụy phát sinh. Những người lập đề án có tham khảo những thực tế này chăng?Những năm đầu tiên đến trường là rất quan trọng với sự phát triển cả cuộc đời của trẻ. Một đề án như vậy nếu được thực hiện thí điểm, và giả sử không thành công, thì khoan nói đến chuyện lãng phí 4.000 tỷ đồng là khoản chi phí hoàn toàn không nhỏ, còn dẫn đến những ảnh hưởng không tốt cho trẻ, sẽ có hại nhường nào!. Và với những điểm bất hợp lý như trên đang làm dư luận bức xúc, khả năng thành công của dự án phỏng được bao lăm? Sự nghiệp trồng người là gây dựng cả một tương lai của đất nước, chúng ta không thể cứ tùy tiện làm “thí điểm”!