Con lo một, cha mẹ lo mười

Đến thời điểm hiện tại, phụ huynh và học sinh vẫn còn không ít băn khoăn về việc xét tuyển vào các trường đại học theo khối thi, tỷ lệ trúng tuyển khi chỉ có một kỳ thi duy nhất, độ phân hóa đề hay quy trình nộp giấy xét tuyển…

Với nội dung quy chế hoàn toàn mới nên các phụ huynh còn bị áp lực hơn cả con mình, bởi ngoài việc tạo điều kiện tối đa cho con học tập ôn thi thì việc định hướng nghề nghiệp cho con cũng vô cùng quan trọng.

anh_hoc_sinh_gmfw.jpgHọc sinh trường THPT Trần Phú, Hà Nội đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia

Chị Hằng Nguyệt (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Vì là cha mẹ - người định hướng cho con nên tôi phải tìm để hiểu rõ quy chế để có thể giúp đỡ con trong quá trình thi cử, chọn trường phù hợp. Tôi cũng đồng tình với phương án chỉ còn một kỳ thi chung, nhưng vẫn lo không biết là với hình thức thi mới này thì khả năng đỗ Đại học có cao hơn?”

Theo quy chế, các trường ĐH, CĐ quy định các trường tổ chức xét tuyển đối với những thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển phải căn cứ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào do Bộ quy định với điều kiện điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước. Nhiều phụ huynh vẫn lo ngại khi một số trường lại yêu cầu thí sinh thi vào trường mình phải kiểm tra, thi thêm một môn phụ phù hợp với tiêu chí ngành học của trường đó… Điều này cũng có thể ảnh hưởng tâm lý thi của thí sinh.

Chị Vũ Thị Thành (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: “Con tôi phải trải qua kì thi THPT đã rất nhiều áp lực. Nhưng trường mà con tôi nộp hồ sơ lại yêu cầu thi thêm một môn phụ nữa. Cháu có nguyện vọng thi tuyển vào HV Báo chí và Tuyên truyền, tôi được biết khối ngành Báo chí còn phải thi thêm một môn năng khiếu. Nội dung thi có thể là những vấn đề mà con chưa được học hoặc thử trước đó cũng khiến tôi rất lo lắng”.

 Nên rút hồ sơ vào thời điểm nào?

Nhiều thí sinh vẫn đang loay hoay với quá nhiều nguyện vọng xét tuyển nhưng không biết làm nào để cơ hội trúng tuyển cao nhất. Theo quy định xét tuyển năm nay, mỗi thí sinh sau khi nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi tương ứng với các nguyện vọng (NV) sẽ được đăng ký tối đa 4 NV nhỏ vào 4 ngành khác nhau của một trường ở mỗi đợt xét tuyển. Riêng ở NV1, trong thời gian 20 ngày xét tuyển, thí sinh có quyền rút hồ sơ không giới hạn số lần để gửi vào trường khác nếu thấy kết quả xét tuyển không khả quan. Với quy định này, mỗi thí sinh có nhiều hơn 16 NV nếu “chăm chỉ”… rút hồ sơ.

Bạn Đỗ Quyên, học sinh trường THPT Kim Liên (Q. Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Em dự định sẽ nộp hồ sơ vào trường Ngoại thương. Nếu không khả quan lắm thì em muốn vào khoa Tiếng Anh của trường ĐH Ngoại ngữ. Nhưng em không biết nên rút hồ sơ vào thời điểm nào là hợp lí để không mất đi cơ hội đăng kí NV2 nếu như NV1 không khả quan.”

Bạn Nguyễn Thị Chinh – Trường THPT Ninh Giang, Hải Dương cho biết: “Em nghĩ điều quan trọng nhất là phải cân nhắc thật kĩ khi làm hồ sơ xét tuyển. Vì muốn rút hồ sơ phải đến trực tiếp các trường sẽ rất mất thời gian và công sức, nhất là đối với những học sinh ở xa như tụi em”.

Còn nhiều âu lo…

Thu Nga - học sinh lớp 12D Trường THPT Yên Hòa (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) - dự định sẽ thi tập trung vào khối A với ba môn Toán, Lý và Hóa. Nga cho biết: “Em lo lắng vì không thể biết chắc rằng kết quả thi của mình rồi sẽ phù hợp với trường nào. Em sẽ học thêm các môn thuộc khối D và thi luôn để có thêm cơ hội chọn trường. Việc kéo dài thời gian đăng ký dự thi đến 30/4 cũng giúp chúng em có thêm thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng các khối thi mà mình hướng đến”.

“Vì là kì thi Quốc gia nên em nghĩ đề sẽ “hóc” hơn nhiều so với thi tốt nghiệp mọi năm. Lực học của em chỉ ở mức trung bình – khá nên cảm thấy hơi áp lực. Tuy nhiên em sẽ cố gắng ôn luyện, chuẩn bị thật tốt cho kì thi” - Nguyễn Huyền Trang – trường THPT Ninh Giang, Hải Dương chia sẻ.

Đây là năm đầu tiên Bộ đưa ra quy chế đổi mới, chính vì thế phụ huynh cần nắm chắc nội dung quy chế để hỗ trợ con em trong việc chọn trường, chọn ngành, tạo tâm lý an tâm để các em có thể hoàn thành kì thi THPT Quốc gia với kết quả tốt nhất./.