Trong cuộc họp với Bộ GD-ĐT, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo quá trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 phải lường trước hết tất cả những khó khăn và phải có những phương án xử lý, không để bị động, không được chủ quan với mục tiêu đảm bảo tổ chức kỳ thi tốt nhất.

cong_tt_jirg.jpgThứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển (thứ 2 từ trái sang) tham gia trả lời cuộc đối thoại trực tuyến

Trước yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tại cuộc buổi tọa đàm về chủ đề “Kỳ thi Quốc gia 2015, những điều cần biết” do Cổng thông tin điện tử  Chính phủ tổ chức chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 được tốt, năm 2014, Bộ đã dự kiến phương án tổ chức thi và xin ý kiến đóng góp của rất nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học, phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội. Sau khi tổng hợp ý kiến, Bộ GD-ĐT đã lên phương án thi THPT quốc gia.

Tiếp theo, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra Dự thảo Quy chế thi THPT và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 để mọi người đóng góp ý kiến. Qua quá trình thu thập ý kiến, Bộ GD-ĐT đã có thêm thông tin về những khó khăn trong quá trình tổ chức thi ở các địa phương trước khi ban hành Quy chế thi chính thức.

Sau khi Quy chế ban hành, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiệp vụ để thực hiện tốt quá trình tổ chức kỳ thi.

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Bộ GD-ĐT tổ chức 2 loại cụm thi. Cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH, CĐ chủ trì tổ chức nhằm phục vụ thí sinh lấy kết quả tốt nghiệp THPT xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ và cụm thi được tổ chức ở địa phương do các Sở GD-ĐT chủ trì dành cho thí sinh chỉ thi để đỗ tốt nghiệp THPT. Bộ GD-ĐT cũng đã bàn bạc kỹ với các địa phương để tổ chức các cụm thi sao cho thuận thiện với thí sinh và giảm được việc thí sinh phải đi lại quá xa.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, nhằm đảm bảo trung thực, khách quan cho kỳ thi THPT quốc gia 2015, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường ĐH, CĐ cùng tham gia tổ chức, coi thi và chấm thi với các trường THPT.

Với việc tổ chức 38 cụm thi liên tỉnh và ít nhất là 60 cụm thi trong tỉnh, công tác chấm thi được Bộ GD-ĐT hướng dẫn chấm tới tất cả các nơi một cách giống nhau. Trong quá trình chấm, từng hội đồng ở các cụm thi sẽ có quá trình chấm thử để tất cả mọi người có cách chấm giống nhau. Quá trình chấm thử này cũng sẽ có đoàn thanh, kiểm tra đến giám sát, theo dõi một cách kỹ lưỡng, nghiêm ngặt./.