Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư về Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy.
Theo đó, Quy chế bao gồm: tổ chức tuyển sinh, điều kiện tham gia tuyển sinh của thí sinh, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của trường trong công tác tuyển sinh; tuyển sinh sử dụng kết quả của kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia, tuyển sinh tại các trường tổ chức tuyển sinh riêng; xử lý thông tin phản ánh vi phạm Quy chế tuyển sinh và chế độ báo cáo, lưu trữ; khen thưởng và xử lý vi phạm trong tuyển sinh. Quy chế này không áp dụng đối với việc tuyển sinh đi học nước ngoài.
Các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ thực hiện các nhiệm vụ: Xác định và công bố công khai tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành; Căn cứ hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT, quy định cụ thể và công bố công khai điều kiện tuyển thẳng và điều kiện ưu tiên xét tuyển vào các ngành học của các đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7 của Quy chế này.
Đối với trường có các ngành năng khiếu và có tổ chức sơ tuyển: xác định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển, phương thức tổ chức thi và phương thức xét tuyển môn năng khiếu.
Các trường và nhóm trường tổ chức tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng thực hiện theo quy định: Xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh theo nội dung quy định tại phụ lục kèm theo và đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 3 của Quy chế này; lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh quy định tại điểm a khoản 2 Điều 34 của Luật Giáo dục Đại học.
Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ (gọi chung là Hiệu trưởng) chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: ra đề thi, coi thi, chấm thi (nếu tổ chức thi tuyển); xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến tuyển sinh.
Kết quả thi của thí sinh vào trường (hoặc nhóm trường) tổ chức tuyển sinh riêng bằng phương thức thi tuyển chỉ có giá trị xét tuyển vào trường (hoặc nhóm trường) đó, không có giá trị xét tuyển sang trường (hoặc nhóm trường) khác; đối với ngành năng khiếu, các trường có thể xét tuyển thí sinh đã dự thi vào ngành đó tại các trường khác và phải quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh của trường;
Các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh đã dự thi kỳ thi THPT quốc gia có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định; Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành.
Các trường tổ chức thực hiện đề án tự chủ tuyển sinh đảm bảo các yêu cầu sau:
Không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi; Đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.
Đề án tự chủ tuyển sinh phải đảm bảo phù hợp Luật Giáo dục Đại học
Đề án tự chủ tuyển sinh phải đảm bảo các yêu cầu phù hợp với quy định của Luật Giáo dục Đại học và mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;
Hình thức, nội dung tuyển sinh phải phù hợp với ngành đào tạo của nhà trường và chương trình giáo dục phổ thông; không gây phức tạp cho xã hội và tốn kém cho thí sinh; Có tiêu chí và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Bộ GD-ĐT tiếp nhận và công bố nội dung dự thảo đề án tự chủ tuyển sinh của các trường trên trang thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT và phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của xã hội hoàn thiện đề án.
Trong thời hạn tối đa là 30 ngày làm việc kể từ ngày trường nộp đề án tự chủ tuyển sinh hợp lệ, Bộ GD-ĐT xác nhận bằng văn bản đề án tự chủ tuyển sinh của trường đáp ứng hoặc không đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này và công bố các đề án tự chủ tuyển sinh đã được xác nhận đáp ứng các yêu cầu quy định trên trang thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh tham gia tuyển sinh phải tốt nghiệp THPT hoặc trung học
Tính đến thời điểm xét tuyển ĐH, CĐ hệ chính quy, thí sinh đã tốt nghiệp THPT (theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) hoặc đã tốt nghiệp trung cấp (trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề) -gọi chung là tốt nghiệp trung học.
Người tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT. Có đủ sức khoẻ để học tập theo quy định hiện hành; Đối với người khuyết tật được UBND cấp tỉnh công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt và học tập do hậu quả của chất độc hoá học là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học: Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định cho dự tuyển sinh vào các ngành học phù hợp với tình trạng sức khoẻ.
Trong độ tuổi quy định đối với những trường, ngành có quy định về tuổi.
Đạt các yêu cầu sơ tuyển, nếu đăng ký xét tuyển hoặc dự thi vào các trường có quy định sơ tuyển.
Có hộ khẩu thường trú thuộc vùng tuyển quy định, nếu đăng ký xét tuyển hoặc dự thi vào các trường có quy định vùng tuyển.
Quân nhân hoặc công an nhân dân tại ngũ chỉ được dự tuyển vào những trường do Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an quy định sau khi đã được cấp có thẩm quyền cho phép đi học; Quân nhân tại ngũ sắp hết hạn nghĩa vụ quân sự theo quy định, nếu được Thủ trưởng từ cấp trung đoàn trở lên cho phép, thì được dự tuyển theo nguyện vọng cá nhân, nếu trúng tuyển phải nhập học ngay năm đó, không được bảo lưu sang năm học sau.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13 /4/2015./.