Ngày 23/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Phó Thủ tướng cũng tham dự cuộc họp có chuyên gia, các nhà khoa học của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam.

Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết, các bước thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo Nghị quyết của Quốc hội đang được thực hiện khẩn trương.

Mặc dù tới nay kinh phí cho đề án còn chưa được cấp nhưng để đảm bảo tiến độ, Bộ GD-ĐT đã chủ động các hoạt động chuẩn bị.

ddn_1256_oqlb.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Trên tinh thần chú trọng phát huy sự đóng góp của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý… và toàn xã hội ngay trong quá trình xây dựng chương trình mới nên Bộ đã sớm đưa dự thảo chương trình tổng thể ra xin ý kiến rộng rãi.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh việc thực hiện Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết Trung ương được chuẩn bị và thực hiện theo một lộ trình rất rõ ràng, chặt chẽ.

Hiện nay bộ đã xây dựng, lấy ý kiến và đưa ra báo cáo Hội đồng giáo dục quốc gia, cơ cấu hệ thống giáo dục quốc gia, Khung trình độ giáo dục quốc gia và đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành.

Việc ban hành chương trình tổng thể, chương trình từng môn học thuộc thẩm quyền của bộ nhưng bộ sẽ luôn trân trọng lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và sẽ chỉ ban hành sau khi Thủ tướng đã ban hành Cơ cấu hệ thống và Khung trình độ quốc gia.

Trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng chương trình tổng thể chưa có sự tham gia chính thức của các Hội khoa học nhưng các Hội sẽ tham gia trực tiếp khi xây dựng chương trình môn học và tiếp đó là biên soạn sách giáo khoa. 

Các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến rất thẳng thắn, xây dựng về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Các ý kiến đều ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục đào tạo đã triển khai trong thời gian qua, đặc biệt trong điều kiện chưa được bố trí kinh phí thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng góp ý với Bộ GD-ĐT cần làm tốt hơn công tác tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, chuyên gia thông qua các cơ chế có tính chính thức, ràng buộc trách nhiệm và đảm bảo điều kiện thục hiện chứ không chỉ lấy ý kiến rộng rãi trên mạng.

Đặc biệt chú ý phản hồi, phân tích các ý kiến không được tiếp thu, tránh để người góp ý có “cảm tưởng” Bộ chưa thực sự trân trọng, cầu thị các ý kiến.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng đổi mới giáo dục là việc rất hệ trọng, nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, chuyên gia, và đông đảo người dân cũng như toàn xã hội. Vì vậy việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa mới cần phải tuân thủ theo đúng  quy trình trước, sau rất bài bản, có thứ tự ưu tiên và cần được tuyên truyền giải thích, chuẩn bị kỹ lưỡng… tránh tạo cảm giác theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ”.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam Lê Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam Nguyễn Đại Hưng, GS Phan Huy Lê cho rằng, bên cạnh việc đánh giá cao những bước chuẩn bị chủ động, tích cực của Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh Bộ cần thể hiện dân chủ, cầu thị hơn nữa trong tiếp thu các ý kiến đóng góp, phản biện từ các nhà khoa học, chuyên gia.

Các chuyên gia hoàn toàn tôn trọng chuyên môn về Khoa học Giáo dục và vai trò quản lý nhà nước của Bộ cũng nhưng rất muốn có nhiều dịp được trực tiếp trao đổi, tranh luận qua lại để đi tới đồng thuận.

Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam Lê Quốc Khánh nói: “Theo tôi phải làm rõ nội dung, từng bước đi như vậy. Chứ hiện nay chúng ta đang dàn hàng ngang để bước. Như tôi được biết một số anh em chuyên gia về dạy Hóa, chúng tôi cũng đều tham gia các chương trình, nhưng bây giờ nếu hỏi đã có kết luận thế nào để có hướng giải quyết thì cũng chưa có. Trên có cơ sở đó mới có chương trình mà có chương trình mới có sách giáo khoa. Cách làm của chúng ta cần phải có kết luận của từng bước rồi mới đi tiếp bước thứ hai”.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến giải trình của Bộ giáo dục và Đào tạo trước nhiều vấn đề đặt ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cám ơn các nhà khoa học, chuyên gia đã luôn tâm huyết, trí tuệ tham gia đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải có cơ chế thực chất, hiệu quả để huy động các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo… tham gia đóng góp cho đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo.

Phó Thủ tướng cũng “đặt hàng” các chuyên gia, góp ý, tham gia vào dự thảo Cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc gia và Khung trình độ quốc gia mà Bộ đang hoàn thiện để trình Thủ tướng ban hành.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: “Làm giáo dục không chỉ 1 năm mà đổi mới giáo dục là liên quan đến 12 năm của các cháu, thậm chí đại học. Nó là một cái vòng, buộc mình phải có gối đầu và ngay trong đổi mới này không thể nào đợi nghiên cứu xong xuôi về hệ thống, lúc ấy mới nghiên cứu về khung trình độ. Xong khung trình độ lúc bấy giờ mới nghiên cứu về chương trình sách giáo khoa. Bởi vì chương trình chung này được tổng hợp từ nghiên cứu chương trình môn học và đây cũng có lẽ là một điểm mình nên tiếp thu”./.