Về phần trả lời chất vấn chiều 17/11 của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Luật sư Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa đồng tình với nội dung trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về cải cách hành chính.

Luật sư Nguyễn Hồng Hà đồng tình với các giải pháp như: Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đề cao đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu với người dân và doanh nghiệp.

vu_duc_dam_rsoc.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Luật sư Hà nói: “Luật và các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, công khai minh bạch không thiếu, nhưng mà thực ra cán bộ vẫn làm không đúng các quy định của pháp luật, nhũng nhiễu phiền hà rất nhiều. Chuyện phản ánh của người dân, trước hết mình có tiếp nhận, xử lý công khai nghiêm minh đối với những đối tượng nhũng nhiễu hay không là chưa rõ ràng. Không đảm bảo quyền lợi của họ để đi theo đuổi khiếu nại tố cáo. Muốn rút khoảng cách lại, luật pháp phải nghiêm, người thực tiễn thi hành pháp luật phải nghiêm, nói như thế nào thì thực hành như thế đó”.

Cũng liên quan đến phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cử tri tỉnh Bến Tre cho rằng, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành đã chỉ đạo, điều hành nền kinh tế đất nước đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là vấn đề an sinh xã hội.

Tuy nhiên, tình hình tệ nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp mà Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng cần có giải pháp quyết liệt hơn.

Bà Đặng Thanh Hương, cử tri xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre nói: “Tôi thấy đất nước mình thay đổi nhiều lắm rồi, nhà nước quan tâm, cải thiện rất nhiều, tôi rất vui. Thời gian tới, xin Chính phủ quan tâm đến những người nghèo và vấn nạn tệ nạn xã hội”.

Sau phiên chất vấn trước Quốc hội vào chiều 17/11, cử tri Nguyễn Phúc Liên (phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai) bày tỏ sự nhất trí đối với câu trả lời có phần sát hơn vào trọng tâm của các thành viên Chính phủ, đồng thời bày tỏ quan điểm về việc chất vấn cần đi tới tận cùng vấn đề, để có cái nhìn khách quan và giải pháp tốt hơn.

Cử tri Liên nói: “Tôi rất ấn tượng với phiên chất vấn của các Phó Thủ tướng cũng như các Bộ trưởng trong buổi chiều nay, vì vấn đề được trình bày sát hơn, sâu hơn. Tuy nhiên với vai trò là một cử tri thì tôi thấy những vấn đề chất vấn các đại biểu đặt ra đều là những thực trạng tồn tại của xã hội, dù nhỏ hay lớn thì cũng ảnh hưởng không tốt trong dư luận, làm thế nào để giải quyết triệt để được những vấn đề ấy mới là điều mà các đại biểu và cử tri mong đợi”.

Về phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều cử tri ở Thành phố Hồ Chí Minh rất đồng tình.

Anh Nguyễn Văn Đình (cử tri ở Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) nói: “Tôi tâm đắc nhất phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về an toàn vệ sinh thực phẩm. Phó Thủ tướng đã nhìn nhận trách nhiệm và đưa ra giải pháp trong thời gian tới.  Phó Thủ tướng đã nhìn thẳng vào sự thật. Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở ngoài sự quản lý của Nhà nước thì đạo đức của người chăn nuôi, trồng trọt phải đặt lên hàng đầu. Theo tôi, thời gian tới ngoài sự quản lý của Nhà nước thì phải xử lý thật nặng người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trong chăn nuôi gây nguy hại cho sức khỏe”.

Về nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng sáng 17/11 xung quanh thu nợ đọng thuế, cử tri Nguyễn Hữu Mai (Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh Lai Châu) cho rằng: Với tình hình khó khăn trong thu, chi ngân sách hiện nay, thì con số nợ đọng thuế 76.000 tỷ đồng là khoản lớn đối với ngân sách nhà nước. Ông Mai đồng tình với quan điểm của người đứng đầu ngành tài chính là tăng cường các giải pháp thu từ nay đến cuối năm và khoản thu 34.000 tỷ đồng mà Bộ trưởng Bộ tài chính hứa với đại biểu Quốc hội.

Với đặc thù của một tỉnh miền núi biên giới, kinh tế phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, cử tri Lai Châu đặc biệt quan tâm tới chất lượng hàng nông sản xuất khẩu hiện nay.

Theo cử tri Hà Quang Huy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, nguyên nhân chính khi hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu, luôn bị giá thành thấp hơn so với nông sản cùng loại của các nước trong khu vực là chúng ta chưa thực hiện được khâu “khép kín” trong sản xuất nông nghiệp.

Để nâng cao chất lượng hàng nông sản trong nước, nâng cao giá thành khi xuất khẩu, Chính phủ và các bộ ngành cần có giải pháp quản lý chặt chẽ ở tất cả các khâu, từ khi sản xuất đến bảo quản, xuất khẩu./.