bat_cap_tuyen_sinh_6_ubtk.jpg
Năm 2018, sai phạm chấm thi tại Hà Giang.Có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang) là người trực tiếp can thiệp làm thay đổi điểm thi của 114 thí sinh. Ngày 20/7/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam 3 tháng đối với Vũ Trọng Lương về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ông Nguyễn Thanh Hoài - Trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Giang) bị bắt tạm giam 3 tháng vì liên quan đến vụ sai phạm điểm thi tại địa phương.

Ngày 23/7, Bộ GD-ĐT tiếp tục công bố sai phạm trong công tác chấm thi tại Sơn La. Tỉnh Sơn La có 17 bài thi có sự khác nhau giữa điểm ghi trên bài thi và điểm đã nhập vào máy (chênh lệch từ 0,25 đến 2,0 điểm). Hàng loạt bài thi trắc nghiệm có dấu hiệu chỉnh sửa. Hiện sự việc vẫn đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.

Hàng loạt sai phạm về điểm thi khiến dư luận lo ngại về chất lượng giáo dục. Bộ GD-ĐT buộc phải ra yêu cầu các địa phương rà soát lại toàn bộ điểm thi THPT quốc gia năm 2018.

Năm 2017, "lạm phát điểm 10".  Trước đó, năm 2017, lần đầu tiên xuất hiện bài thi tổ hợp, theo đó, thí sinh phải làm 4 bài là Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân), trừ môn Văn thi tự luận, 4 môn còn lại đều thi trắc nghiệm để máy chấm; mỗi địa phương chỉ có một cụm thi.

Đề thi quá dễ, dẫn đến tình trạng "mưa điểm 10", thí sinh 30 điểm/3 môn vẫn trượt đại học. 
Năm 2015, đi xe cấp cứu nộp hồ sơ xét tuyển đại học.Năm 2015, lần đầu tiên kỳ thi "2 trong 1" được tổ chức. Trong xét tuyển đại học, sau khi biết điểm thi, Bộ cho phép thí sinh được “nộp vào, rút ra” hồ sơ thoải mái tới tận phút chót gây ra hỗn loạn trong mùa tuyển sinh. 

Một cuộc chạy đua căng thẳng bùng phát, đến nỗi vào ngày chót có hai mẹ con thí sinh ở Hà Tĩnh phải thuê xe cấp cứu hú còi vượt hơn 350 km ra Hà Nội rút hồ sơ từ Học viện An ninh để chuyển sang Đại học Bách khoa Hà Nội.
Rút kinh nghiệm 2015, sang 2016 Bộ lại đảo ngược thành cấm “rút ra, nộp vào”, tức đã nộp hồ sơ vào trường nào là “chốt hạ” trường đó, đỗ trượt đành chịu. Tình trạng nộp hồ sơ của các trường cũng không được công bố, dẫn đến việc lần đầu tiên các hàng loạt trường top đầu lâm cảnh tuyển thiếu chỉ tiêu. Chuyện trớ trêu đã xảy ra, thí sinh điểm cao thì trượt, còn thí sinh điểm thấp hơn lại đỗ đối với cùng một ngành của một trường.

Giám thị ném đáp án vào phòng thi cho thí sinh (2012). Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, tại trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang), một học sinh đã dùng bút bi có chức năng quay hình ghi lại hình ảnh giám thị ném bài thi môn Toán và Ngoại ngữ vào phòng thi. Đáp án còn được giải sẵn và cho phép tuồn vào phòng thi, thí sinh chỉ việc thoải mái trao đổi, chép "phao"...

Thư ký hội đồng thi in sao, giải đề Vật lý cho thí sinh (2007). Chiều ngày 30/5/2007, sau khi thí sinh bắt đầu làm bài thi môn Vật lý khoảng 20 phút, ông Trần Hoài Nam và ông Dương Hoàng Anh là hai thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT được phân công làm nhiệm vụ giám sát tại Hội đồng thi Trung tâm GDTX huyện Lương Tài (Bắc Ninh) đã bắt quả tang Thư ký hội đồng thi Nguyễn Thành Bắc đang in sao, giải đề Vật lý do 2 thí sinh tuồn từ phòng thi.

Thí sinh chép bài thi tự do như giữa chợ. Ngày 29/8/2006, dư luận bàng hoàng khi 4 clip quay lại cảnh lộn xộn trong kì thi tốt nghiệp THPT tại Hội đồng Nam Đàn 2 (Nghệ An) xuất hiện trên mạng xã hội. Học sinh đi lại lộn xộn, cười nói, bàn tán râm ran hoặc thậm chí còn ngồi lên bàn, quay lưng về phía bục giảng chép bài. Trong khi đó, một số giám thị bỏ ra ngoài ngồi tán gẫu, còn số khác thì tiếp tay, đưa bài từ bên ngoài vào cho học sinh chép.