Trước lời những lời than phiên, thậm chí là “kêu oan” của nhiều trường đại học (ĐH) đứng trước nguy cơ phải đóng cửa nhiều ngành vì không đảm bảo được tiêu chí mở ngành là phải có ít nhất 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ, Bộ GD-ĐT đã bày tỏ quan điểm rất rõ ràng.
Ngành ĐH sẽ bị thui chột nếu không có giảng viên giỏi
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, nếu một ngành ĐH không có giảng viên giỏi giảng dạy sẽ chỉ khiến cho ngành đó dần bị thui chột, không phát triển được. Đào tạo ĐH khác với đào tạo các bậc học khác là yêu cầu giảng viên phải có trình độ lý luận, nghiên cứu về chuyên ngành giảng dạy để còn hỗ trợ nhà trường mở rộng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu sinh trong tương lai và phát triển chuyên ngành đào tạo của trường.
|
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga |
Bộ GD-ĐT rất thông cảm và đã linh động cho các trường ĐH có tính đặc thù bằng cách tạo điều kiện để các trường mời những cán bộ đang làm việc, nghiên cứu ở một cơ quan khác có trình độ, học hàm, học vị cao về giảng dạy cho trường.
Tuy nhiên, Bộ cũng chỉ cho phép các trường một thời gian nhất định để các trường bổ sung, đào tạo đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ cao. Những trường ĐH có ngành đặc thù phục vụ cho hợp tác quốc tế như tiếng Arab hay những ngành mới có liên quan đến lĩnh vực khoa học mà thiếu giảng viên đạt trình độ theo quy định thì phải có báo cáo cụ thể về Bộ để xem xét cũng như có phương hướng hỗ trợ đào tạo kịp thời.
Việc Bộ GD-ĐT đình chỉ tuyển sinh hàng trăm ngành ĐH trong thời gian vừa qua là hồi chuông cảnh báo khẩn cấp đối với các trường trong việc bổ sung, đào tạo đội ngũ giảng viên đạt trình độ cao. Từ nay đến hết năm 2015, các trường ĐH vẫn có đủ thời gian để bổ sung và nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên cho từng chuyên ngành. Sau thời hạn trên, nếu chuyên ngành nào có đủ giảng theo tiêu chí để ra là 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ thì Bộ GD-ĐT sẽ cho các trường mở lại.
Điều chuyển cán bộ liệu có gỡ khó cho trường?
Trước quy định mở ngành ĐH phải có ít nhất là 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội nêu ý kiến, Bộ GD-ĐT nên lắng nghe ý kiến từ các trường ĐH để có cách điều chỉnh thích hợp vì mỗi trường có những đặc thù đào tạo khác nhau. Bộ không nhất thiết quy định, các trường ĐH mở chuyên ngành phải có giảng viên nằm trong biên chế của trường đạt trình độ tiến sĩ, thạc sĩ.
Thay vì quy đình giảng viên đạt trình độ tiến sĩ, thạc sĩ đúng chuyên ngành, Bộ GD-ĐT cần linh động hơn cho các trường ĐH bằng cách ký hợp đồng giảng dạy với những cán bộ đang làm việc ở một cơ quan, đơn vị khác nghiên cứu về chuyên ngành liên quan mà trường đó mở. Ví dụ như đối với ngành chèo hiện không có giảng viên nào đạt trình độ tiến sĩ nhưng nhà trường có thể tuyển dụng tiến sĩ nghiên cứu về văn hóa hay nghiên cứu về chèo về làm giảng viên cho trường.
Các trường ĐH, CĐ đang "khát" giảng viên có trình độ cao (Ảnh minh họa) |
Những ngành ngành đặc thù như cải lương, tuồng, xiếc thì trường ĐH có thể mời những nghệ nhân, nghệ sĩ có uy tín tới dạy.
Đối với những chuyên ngành mới mà nhà trường chưa có giảng viên đạt trình độ tiến sĩ, thạc sĩ thì trường ĐH phải có được những giảng viên có công trình nghiên cứu liên quan đến ngành học mới đó.
Tuy nhiên, GS.TSKH Vũ Minh Giang cũng đồng ý với quan điểm, giảng viên ở bất kỳ ngành nghề nào nếu chỉ dừng lại ở trình độ ĐH rồi lại đi dạy sinh viên ĐH thì sẽ chỉ dần làm thui chột ngành đào tạo đó đi. Đào tạo bậc ĐH có tính khác biệt là yêu cầu giảng viên không những phải có trình độ, kỹ năng giảng dạy mà phải có những nghiên cứu lý luận để phát triển ngành học đó trong tương lai.
Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, các trường ĐH cần hiểu rõ chủ trương này để bổ sung, đổi mới chất lượng giảng viên, phát triển ngành học.
Hệ lụy từ nâng cấp các trường trung cấp, CĐ lên ĐH
GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ủng hộ quan điểm là Bộ GD-ĐT đưa ra thời hạn nhất định để các trường bổ sung đội ngũ giảng viên đạt chất lượng cao. Bên cạnh đó, Bộ cũng nên lắng nghe ý kiến, đề xuất của các trường để có giải pháp hỗ trợ các trường thu hút và đào tạo giảng viên.
Tuy nhiên, ông Đào Trọng Thi cho rằng, để xảy ra tình trạng hàng trăm ngành đào tạo ĐH bị dừng tuyển sinh trong thời gian vừa qua một phần là do Bộ GD-ĐT vẫn còn lỏng lẻo khi kiểm soát hoạt động đào tạo của các trường so với báo cáo, cam kết sau khi xin được nâng cấp hệ đào tạo.
|
GS.TSKH Đào Trọng Thi |
Đào tạo trình độ ĐH khác với CĐ hay trung cấp, dạy nghề vì cần phải có những yêu cầu, tiêu chí về lý luận cụ thể. Các trường không nên chạy theo “cái mác” ĐH khi mà nội dung đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có đủ đội ngũ giảng viên chuyên ngành đạt trình độ để giảng dạy ĐH. Bởi vì nếu trường chưa đủ điều kiện cần thiết mà đào tạo ở trình độ cao hơn thì nguồn lực đào tạo ra không thể phục vụ cho phát triển kinh tế -xã hội.
Theo ý kiến của ông Đào Trọng Thi, Bộ GD-ĐT phải kiểm soát chặt chẽ cũng như quy định trách nhiệm cụ thể đối với việc cho nâng cấp các trường trung cấp, CĐ lên ĐH. Nếu những trường nào đã cho nâng cấp lên ĐH rồi mà giảng dạy không đảm bảo thì có thể hạ xuống hệ đào tạo phù hợp với thực chất năng lực của họ. Những trường nào thiên về dạy nghề, thực hành và có những kinh nghiệm dạy nghề lâu năm thì cứ nên phát huy việc đào tạo như vậy. Không nên chạy theo cái mác ĐH khi mà nội dung đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có đủ đội ngũ giảng viên chuyên ngành đạt trình độ để giảng dạy ĐH, CĐ.
Nhiều trường ĐH ở các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới quy định, nếu mở một ngành nào đó thì phải có giảng viên đạt trình độ Tiến sĩ trở lên. Còn ở nước ta, Bộ GD-ĐT quy định mở một ngành ĐH nào đó phải có ít nhất là 1 tiến sĩ, 3 thạc sĩ làm giảng viên là quy định tối thiểu phải có.
Mặc dù không thể so sánh giữa giảng dạy ĐH, CĐ ở nước với những nước khác nhưng khi nước ta đang hội nhập với thế giới thì cũng cần nghĩ tới xu hướng đào tạo ĐH và yêu cầu mở ngành phải như các nước có tiền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Vì thế, việc kiểm soát chất lượng đào tạo cũng như mở ngành, nâng cấp các trường trung cấp, CĐ lên ĐH cần phải được thực hiện nghiêm túc. Việc làm này càng phải được cân nhắc thận trọng vì mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho xã hội và hội nhập với thế giới.
Trên thực tế, nhiều trường ĐH, CĐ không đảm bảo tiêu chí về chất lượng giảng viên nhưng vẫn xin nâng cấp và mở ngành để chờ đợi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Tuy nhiên, số lượng những giảng viên được cử đi học trình độ cao hàng năm vẫn được bổ sung và tương đối nhiều nhưng các trường vẫn “kêu” thiếu.
Để giúp độc giả hiểu hơn về thực trạng đào tạo, thu hút và “chảy máu chất xám” ở đội ngũ giảng viên, báo Điện tử VOV sẽ phân tích rõ hơn trong bài 3: 20.000 tiến sĩ cho các trường đại học còn quá xa vời!./.