Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến năm 2013, cả nước có 90 trường ĐH, CĐ ngoài công lập, chiếm khoảng 22,2% tổng số các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc.

Bên cạnh hệ thống trường ĐH, CĐ công lập, trong 20 năm qua, các trường ngoài công lập đã phát triển nhanh chóng, hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của giáo dục ĐH.

Tuy nhiên, bên cạnh những trường ĐH, CĐ ngoài công lập có chất lượng đào tạo tốt, tạo được thương hiệu và uy tín trong nhân dân thì một số trường đã xảy ra tình trạng mất đoàn kết trong Hội đồng quản trị, các nhà đầu tư, hội đồng sáng lập, Hiệu trưởng và các thành viên khác.

Mâu thuẫn nội bộ, bất đồng về quyền lợi kinh tế, phân chia lợi ích và những xung đột  khác  dẫn đến việc không thống nhất được định hướng đầu tư, phát triển của trường. Điều này ảnh hưởng lớn đến uy tín, chất lượng đào tạo của nhà trường và quyền lợi của người học cũng như chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.

truong-dh.jpg
Sinh viên sẽ là người bị thiệt hại lớn nếu các trường ĐH, CĐ không chấm dứt được mâu thuẫn nội bộ (Ảnh minh họa)

Đem giáo dục ra để kinh doanh, thì…

Đứng ở góc độ giám sát ngành giáo dục, Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Lê Văn Học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, những trường ĐH, CĐ ngoài công lập tạo được uy tín trong xã hội là những trường có Hội đồng sáng lập, những nhà đầu tư, Hội đồng quản trị luôn đặt mục tiêu chất lượng đào tạo làm kim chỉ nam cho sự phát triển lâu dài và bền vững.

Tuy nhiên, có những trường không thực hiện nghiêm túc Đề án thành lập, coi giáo dục là để kinh doanh, chạy theo lợi nhuận theo kiểu xem xét và tính toán xem hàng năm có bao nhiêu sinh viên nhập học rồi mới lựa chọn phương án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, mời giảng viên theo kiểu “thời vụ”, không theo kế hoạch và chiến lược xây dựng, phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, việc xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ cao, phục vụ lâu dài cho quá trình đào tạo chưa được nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập quan tâm đúng mức.

Ngoài ra, một số ít trường còn có sự mâu thuẫn, tranh chấp giữa các nhà đầu tư góp tiền thành lập và xây dựng trường, đã đẩy họ rơi vào tình trạng mất ổn định kéo dài.

Cơ sở giáo dục ĐH, CĐ ngoài công lập được hình thành dựa trên sự góp vốn của một số nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình trường hoạt động có thể không đạt hiệu qủa, số lượng sinh viên nhập học hàng năm rất ít nên chủ đầu tư (người nắm giữ cổ phần lớn nhất) của trường có thể xin rút lui, không muốn tiếp tục đầu tư nữa.

Khi có sự thay đổi chủ đầu tư ở trường ĐH, CĐ ngoài công lập thì thường kéo theo những thay đổi về quy chế tổ chức và hoạt động cơ bản của trường đó. Những quy định về quản lý tài chính, kinh phí đầu tư xây dựng trường, mức chi phí phục vụ trực tiếp cho giảng dạy, giảng viên và cán bộ quản lý cũng sẽ bị thay đổi, làm cho hoạt động của nhà trường sẽ bị trì trệ.

PGS.TS Lê Văn Học cho rằng, đầu tư cho sản xuất kinh doanh và đầu tư cho giáo dục rất khác nhau nên nếu các nhà đầu tư nào nghĩ rằng, bỏ tiền ra để đầu tư cho giáo dục sẽ phải thu lợi nhanh như trong sản xuất kinh doanh thì hoàn toàn sẽ thất bại. Nguy hiểm hơn, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực của đất nước.

Trường ĐH, CĐ ngoài công lập muốn tồn tại và phát triển thì phải có chiến lược đầu tư có lộ trình và bền vững từ ban đầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và thu hút giảng viên có uy tín về trường làm việc. Hội đồng quản trị, nhà đầu tư, Hiệu trưởng của trường phải luôn lấy mục tiêu chất lượng đào tạo và vì người học làm trọng tâm.

Không thể để các trường có nảy sinh mâu thuẫn kéo dài

Theo PGS.TS Lê Văn Học, để giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh từ các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, Bộ GD-ĐT và UBND các tỉnh, thành phố phải yêu cầu các trường thực hiện nghiêm chỉnh Điều lệ trường ĐH, Luật Giáo dục ĐH, quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục  và một số văn bản khác…

PGS.TS Lê Văn Học

Nếu trường nào không thực hiện nghiêm những quy định đó thì các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục phải có những biện pháp nghiêm khắc để xử lý. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phải xem xét, kiểm soát kỹ việc thành lập Hội đồng quản trị, công nhận Hiệu trưởng phải đúng các quy định của pháp luật. Nếu trường ĐH, CĐ nào không đảm bảo các điều kiện (đặc biệt để tình trạng mất ổn định kéo dài) trong đào tạo thì các cơ quan chức năng có thể đình chỉ tuyển sinh và nếu cần cho chấm dứt hoạt động.

Hiện nay, có một số trường ĐH, CĐ dân lập chưa chuyển đổi thành mô hình tư thục do còn có một số bất cập trong quy chế chuyển đổi, có trường còn phát sinh mâu thuẫn nội bộ trong quá trình xử lý tài sản và tài chính của nhà trường khi chuyển đổi.

Khi chuyển đổi sang trường tư thục, nhiều trường ĐH, CĐ khó xác định được quyền lợi cho những người sáng lập thường là những giáo sư có tên tuổi, những nhà quản lý giáo dục có  uy tín. Ngoài ra, khi mới thành lập, trường được UBND tỉnh cho thuê đất với giá ưu đãi tương đối thấp nhưng khi chuyển sang loại hình tư thục thì việc xác định lại giá đất gặp khó khăn.

Vì vậy, để giải quyết những mâu thuẫn và bất cập đó trước hết đòi hỏi Bộ GD-ĐT phải có chỉnh lý sửa đổi thông tư hướng dẫn việc chuyển đổi mô hình trường ĐH dân lập sang trường ĐH tư thục.

Việc chỉnh sửa theo hướng các cơ quan chức năng của Nhà nước chỉ công nhận tính hợp pháp của quy trình chuyển đổi mô hình trường khi  tất cả các thành viên của Hội đồng sáng lập, các nhà đầu tư từ ban đầu hiện tại còn có vốn góp, sự đồng thuạn của  chính quyền địa phương (cấp tỉnh) và sự đồng thuận của tất cả cán bộ, giảng viên và nhân viên cơ hữu của nhà trường.

Nếu quá trình chuyển đổi bị chậm chễ thì trong trường sẽ dễ phát sinh mẫu thuẫn nội bộ khác. Những mâu thuẫn đó sẽ làm cho nhà trường mất ổn định kéo dài, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và chất lượng đào tạo cũng như tâm lý của giảng viên, người học, gây tác động xấu đến xã hội./.