Cố gắng đến mức cao nhất để không bùng phát ổ dịch khi học sinh đi học
Theo kế hoạch, các trường học của tỉnh Hưng Yên sẽ đưa học sinh đi học trực tiếp trở lại bắt đầu từ ngày 14/2/2022.
Sở GD-ĐT Hưng Yên cho biết, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học trực tiếp sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19 và xây dựng phương án, kịch bản cụ thể để xử lý tình huống khi có ca F0 hoặc dịch bệnh lây lan trong cơ sở giáo dục. Các kế hoạch, phương án, kịch bản được các nhà trường xây dựng chi tiết, cụ thể theo đúng chỉ đạo của các cấp quản lý, phù hợp với tình hình thực tế của trường và đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch.
Theo phương án để đón học sinh đến trường học tập trực tiếp, các trường học tại Hưng Yên sẽ tổ chức dạy học trực tiếp một cách linh hoạt. Một số trường có thể kết hợp dạy học trực tiếp với trực tuyến, điều này sẽ giúp cho những trường hợp học sinh đang phải cách ly phòng, chống Covid-19 có thể tham dự lớp học trực tuyến, đảm bảo thống nhất chương trình cho các học sinh. Các nhà trường sẽ căn cứ vào tình hình thực tế tiến hành test Covid-19 cho giáo viên và học sinh, kịp thời phát hiện những trường hợp F0 nếu có, cố gắng đến mức cao nhất không bùng phát thành ổ dịch khi đưa học sinh đi học trở lại.
Đặc biệt các nhà trường cũng quan tâm tới công tác hỗ trợ tâm lý cho học sinh khi quay trở lại học tiếp. Đồng thời, các thầy giáo, cô giáo cũng được chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Tại Đồng Nai, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai Võ Ngọc Thạch cho biết, từ ngày 14/2 tỉnh có kế hoạch tổ chức cho trẻ em mầm non, học sinh và học viên các cấp học đồng loạt đi học trực tiếp trở lại theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Ngành giáo dục đào tạo đã xây dựng nhiều phương án để đảm bảo quyền lợi cho tất cả học sinh vì lý do bất khả kháng không thể đến trường học trực tiếp (học sinh, học viên là F0, F1, thuộc diện cách ly theo quy định của ngành y tế hoặc lý do khác). Theo đó, giáo viên sẽ giao bài qua nhóm Zalo lớp, phát trực tuyến các tiết dạy trực tiếp cho học sinh học trực tuyến tại nhà, tập hợp số học sinh không thể tham gia học trực tiếp để tổ chức dạy học trực tuyến…
Tổ chức dạy học phụ đạo, ôn tập củng cố kiến thức cho những học sinh, học viên không đủ điều kiện tham gia học trực tuyến từ đầu năm học đến thời điểm các cơ sở giáo dục được phép tổ chức dạy học trực tiếp.
Theo ông Võ Ngọc Thạch, để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học trực tiếp, ngành giáo dục Đồng Nai đã phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh tiêm vaccine cho giáo viên, học sinh song song với việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch trong nhà trường.
Tới thời điểm này tổng số học sinh trong độ tuổi 6-12 đã tiêm vaccine là 230.305, số học sinh đã tiêm 2 mũi là 211.602 em (tỉ lệ 91,88%). Số giáo viên, cán bộ quản lý đã tiêm 3 mũi là 33.630/46.218 người.
“Đồng Nai tuy đối mặt nhiều khó khăn nhưng nhờ quyết tâm và chủ động triển khai việc thí điểm cho học sinh đi học trực tiếp trở lại sớm đã mang lại cho ngành nhiều kinh nghiệm quý báu”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai cho hay.
Ông Thạch cho biết thêm, trong thời gian trước Tết, ngành giáo dục Đồng Nai đã cho thí điểm dạy học trực tiếp ở các thị trấn, xã có dịch ở cấp độ 1 từ ngày 15/11 đến 28/1. Qua đó, đã có 11/11 huyện, thành phố tổ chức thí điểm dạy học trực tiếp.
Tính đến ngày 24/1 đã có 325 trường học tổ chức dạy học trực tiếp cho trẻ mầm non, học sinh và học viên một số khối lớp Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT.
Tập huấn cho giáo viên lấy mẫu xét nghiệm Covid-19
Tỉnh An Giang cũng dự kiến sẽ cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đến trường học trực tiếp từ ngày 14/2, sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trực tiếp trở lại. Trước đó, huyện Châu Phú của tỉnh này cũng đã tổ chức thí điểm cho học sinh đi học trở lại từ ngày 10/2, hiện tại chỉ phát hiện một học sinh bị nhiễm Covid-19 và đã tổ chức xử lý theo đúng kịch bản đã đề trước đó.
Sở GD-ĐT tỉnh An Giang cho hay, giáo viên và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục cũng được tập huấn cách lấy mẫu và tự lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 để chủ động tầm soát, sàng lọc các ca nhiễm một cách tốt nhất. Đối với bậc học mầm non, các nhà trường sẽ tổ chức dạy học trên cơ sở tự nguyện của các phụ huynh đưa con đến trường. Tính từ đầu mùa dịch đến nay, toàn tỉnh An Giang phát hiện 135 cán bộ, giáo viên, 1.057 học sinh bị nhiễm Covid-19, tất cả đã được điều trị khỏi bệnh và không có trường hợp giáo viên, học sinh tử vong do Covid-19.
UBND tỉnh Kiên Giang cũng chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các ban, ngành liên quan của từng địa phương lên phương án, kịch bản để đón học sinh trở lại trường một cách an toàn. Sở GD-ĐT Kiên Giang cũng đã tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên, cán bộ quản lý của các trường phổ thông để điều chỉnh kế hoạch năm học theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Đối với giáo dục mầm non thì tăng cường liên hệ giữa nhà trường với gia đình để phối hợp nuôi dạy trẻ được một cách tốt nhất.
Chỉ đạo công tác dạy học trực tiếp tại các địa phương, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu các Sở GD-ĐT căn cứ tình hình thực tế, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức dạy học trực tiếp tại địa phương thống nhất, đầy đủ tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón, chăm sóc học sinh.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong những ngày đầu học sinh quay lại học trực tiếp tại cơ sở giáo dục, cần dành lượng thời gian phù hợp để học sinh làm quen trở lại với việc học trực tiếp. Với các em học sinh lớp 1 chưa từng tới trường, nhà trường cần: phổ biến các quy định về học tập và sinh hoạt tại trường; tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho học sinh tới trường; hướng dẫn học sinh kiến thức phòng dịch, những việc cần làm và nguyên tắc cần tuân thủ trong phòng dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng; tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học; tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng yêu cầu các Sở GD-ĐT tiếp tục tổ chức dạy học tại trường các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GDĐT phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh. Tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa, nhất là đối với các học sinh không được học qua truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh./.