Tại chương trình tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp của Đại Học Hà Nội vừa diễn ra, nằm trong chuỗi chương trình Tư vấn tuyển sinh & Hướng nghiệp mang tên “Chọn chuẩn trường – đi chuẩn đường” tổ chức miễn phí cho học sinh THPT, đã đặt ra nhiều vấn đề về lựa chọn ngành học ngoại ngữ và các cơ hội việc làm khi ra trường.

Chỉ tiêu cho xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn còn nhiều

Tư vấn về phương án tuyển sinh năm 2022, TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội cho biết, trường sẽ xét tuyển qua nhiều hình thức từ kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia, diện xét tuyển hồ sơ tài năng và xét tuyển qua điểm thi tốt nghiệp THPT.

TS Nguyễn Tiến Dũng cũng thông tin nhà trường chấp nhận 21 chứng chỉ quốc tế khác nhau để xét tuyển, trong đó, điểm thi IELTS từ 6.5 trở lên sẽ được xét. Các hồ sơ nộp vào sẽ được xét tuyển từ cao xuống thấp.

Tương tự như năm 2021, chỉ tiêu tuyển sinh cũng không dành hết cho diện xét tuyển tài năng, đánh giá năng lực, vẫn còn nhiều chỉ tiêu được dành cho xét tuyển điểm tốt nghiệp THPT, vì thế các thí sinh cần chuẩn bị tâm lý cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng phía trước, kết quả tốt sẽ giúp các em có thêm cơ hội vào trường.

Bên cạnh đó, Phó Hiệu trưởng ĐH Hà Nội cũng cho biết, ĐH Hà Nội có cơ chế cho sinh viên học chuyên ngành 2. Các em trúng tuyển vào trường có thể trở thành sinh viên song ngành, ví dụ, như học ngành ngôn ngữ Anh có thể học thêm ngành ngoại ngữ khác hoặc các ngành như quản trị kinh doanh học bằng tiếng Anh, nếu tổng điểm học năm 1 trên 6.5. Khi ra trường ở 2 ngành, sinh viên sẽ có cả 2 bằng.

TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng ĐH Hà Nội cũng khuyến cáo thí sinh, vì có xét các điểm thi các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên ngay cả khi đủ điều kiện được miễn thi tốt nghiệp, nếu xem xét hồ sơ của mình chưa chắc chắn, các thí sinh nên thi thay vì áp dụng chính sách miễn thi, để có điểm số cao, tạo thêm sự chắc chắn khi xét tuyển.

Theo cô Phương, 2 năm trở lại đây, số sinh viên vừa học vừa làm đã tăng lên rất nhiều. Nếu trượt chương trình chính quy, các thí sinh có thể đăng ký xét tuyển qua chương trình vừa học vừa làm, việc xét tuyển sẽ không qua khó khăn như học chính quy. Chương trình sẽ học chủ yếu vào buổi tối, sinh viên có thể đi làm vào ban ngày. Ngoài ra, các thí sinh còn có thể đăng ký học từ xa, chủ yếu qua hình thức trực tuyến. Tất cả loại hình học có cùng một khung chương trình, có cùng các giảng viên giỏi như nhau. Điều đặc biệt là khi tốt nghiệp, văn bằng không phân biệt loại hình học.

Chọn ngành hot nhưng không thích và không giỏi cũng sẽ dễ bị đào thải

Tại buổi tư vấn, nhiều học sinh lớp 12 cũng gửi các câu hỏi cho các diễn giả như "học ngoại ngữ xong ra làm gì, cơ hội nghề nghiệp ra sao", “học ngoại ngữ liệu chỉ đi làm phiên dịch”?...

Chia sẻ với các em học sinh đi sau, Đinh Thùy Dung, sinh viên năm thứ tư khoa tiếng Trung, ĐH Hà Nội cho biết, ngay từ khi học trung học Dung đã học tốt tiếng Anh. Nhưng vì thích tiếng Trung và muốn thử sức với một ngôn ngữ mới nên đã tự mình chọn ngành ngôn ngữ Trung Quốc và được bố mẹ ủng hộ. Dung xem xét kỹ các trường có ngành tiếng Trung, xem các điều kiện từ đầu vào cho đến học phí, Dung chọn vào ĐH Hà Nội. Cho đến hôm nay, khi đã học năm 4, nữ sinh vẫn hay nhận được những câu hỏi từ người quen như học ngoại ngữ xong thì làm gì, hướng dẫn viên hay phiên dịch?

“Đến giờ tôi nghĩ rằng quan niệm về cơ hội nghề nghiệp với sinh viên học ngoại ngữ chủ yếu đi làm phiên dịch hay hướng dẫn viên du lịch là chưa đầy đủ. Thực tế học ngôn ngữ mở ra rất nhiều kiến thức từ ngôn ngữ đến văn hóa, con người đến xã hội. Với vốn ngôn ngữ và kiến thức được học, sinh viên có thể làm rất nhiều công việc khác nhau, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều, thì việc thông thạo ngoại ngữ sẽ đem đến càng nhiều cơ hội hơn nữa”, Dung chia sẻ.

Sinh viên năm thứ 4 ĐH Hà Nội cho biết, hiện nay cũng đang làm về mảng phát triển chương trình truyền thông trên mạng xã hội, phát triển thị trường bằng ngôn ngữ đã được học.

Trả lời câu hỏi về những ngành nào đang “hot” nhất hiện nay tại ĐH Hà Nội, TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng ĐH Hà Nội cho biết, những năm gần đây, các ngành như ngôn ngữ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, tiếng Anh được rất nhiều thí sinh quan tâm đăng ký xét tuyển, điểm chuẩn của các ngành này cũng ở top cao của trường. Tuy nhiên, TS Phương cũng cho rằng, ngoại ngữ luôn hiện diện trong mọi ngành nghề của trường, các chương trình của ĐH Hà Nội có thể được dạy bằng các ngoại như như Anh, Pháp, Nga. Đặc biệt là các ngành mới, vốn đang thu hút người học và nhu cầu của xã hội như ngành Marketing, Truyền thông Đa Phương tiện, Nghiên cứu Phát triển.

Cô Phương chia sẻ kinh nghiệm: “Có rất nhiều sinh viên đến khi vào học rồi vẫn hỏi cô về sự yêu thích, sự lựa chọn ngành học và ngành nghề, với cô mọi ngôn ngữ học bằng chữ La-tinh cô đều yêu thích, nhưng các ngôn ngữ bằng các bộ chữ khác như chữ tượng hình cô rất sợ và khó tiếp thu. Hiểu điều đó nên cô chỉ tập trung cho các ngôn ngữ mình thích và học tốt. Các em cần lưu ý rằng, ngành hot mà bản thân không chịu học hay không yêu thích, không giỏi được ở ngành đó thì cũng sẽ bị đào thải. Những ngành tưởng chừng kém hot hơn nhưng nếu các em làm thật tốt thì cơ hội công việc vẫn rất rộng mở”./.