Thực hiện Luật Giáo dục đại học, dự kiến ngày 28/12, Bộ GD-ĐT sẽ công bố Dự thảo Quy chế tuyển sinh riêng với những tiêu chí cụ thể. Bên cạnh việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH thi riêng, Bộ vẫn cho các trường triển khai phương án thi chung, xét tuyển thí sinh. Phương án “3 chung” (chung ngày thi, đề thi, kết quả xét tuyển) vẫn được Bộ GD-ĐT duy trì trong 3 năm tới, nhằm giúp cho các trường chưa thể chuyển sang phương án thi riêng.

thi%20sinh.jpg
Năm 2014, thí sinh có nhiều phương thức lựa chọn thi tuyển ĐH, CĐ (Ảnh minh họa)

Điểm đặc biệt của Dự thảo Quy chế tuyển sinh riêng cho các trường ĐH, CĐ là phải được sự đồng thuận thông qua ý kiến đóng góp của dư luận xã hội một cách công khai.

Những đề án nào phù hợp, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ thì Bộ sẽ xem xét, xác nhận là phương án khả thi nhất để cho triển khai trong năm 2014. Vì vậy, thí sinh có thể nghiên cứu kỹ lưỡng xem phương án nào phù hợp để chọn trường thi.

Trao đổi với phóng viên VOV online, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện Bộ đã nhận được đề án xin thi riêng của 17 trường ĐH, CĐ ngoài công lập (14 trường ĐH, 3 trường CĐ). Những phương án của 17 trường ĐH, CĐ này gửi lên Bộ GD-ĐT khi chưa có dự thảo quy định tuyển sinh riêng nên Bộ sẽ xem xét những tiêu chí nào còn thiếu thì yêu cầu các trường bổ sung.

Khi Quy chế tuyển sinh riêng chính thức được ban hành thì Bộ sẽ chọn phương án tốt nhất để cho các trường tuyển sinh riêng. Việc Bộ GD-ĐT giao cho các trường tuyển sinh riêng sẽ gắn với trách nhiệm giải trình, quản lý và đảm bảo chất lượng đào tạo.

Chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ đã được thực hiện theo Thông tư 57 dựa trên tiêu chí về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên thực chất. Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện công tác thanh, kiểm tra những tiêu chí và cam kết của các trường đưa ra. Những trường nào vi phạm quy chế tuyển sinh riêng sẽ bị xử lý theo quy định.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, năm 2014 chưa thể áp dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vào các trường ĐH, CĐ. Nguyên nhân là do phương án này chưa được sự đồng thuận của dư luận xã hội. Tuy nhiên, phương án sử dụng kết qủa thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH, CĐ vẫn nằm trong lộ trình của Đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tiếp nhận ý kiến của đông đảo các tầng lớp xã hội để cải tiến, đổi mới chất lượng học tập, thi cử kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách khoa học, trung thực, công bằng và khách quan. Đến khi nào kết quả đánh giá và kỳ thi THPT được dư luận xã hội công nhận thì Bộ sẽ cho triển khai áp dụng lấy làm căn cứ để xét tuyển vào ĐH, CĐ./.