Văn học ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong đời sống. Nhưng, có một thực tế là vị trí của môn học này càng trở nên mờ nhạt trong tâm thức học sinh. Nhiều học sinh THPT tỏ ra không hứng thú với giờ học văn trong nhà trường.
Cô Thân Thị Thu Hiến - Giáo viên Trường THPT Yên Dũng 2 (Bắc Giang) cho rằng: Không thể đổ lỗi cho học sinh, bởi nhiều giáo viên dạy Văn trong nhà trường hiện nay vẫn chưa thực sự thổi được cho các em niềm đam mê môn học
Dạy học đọc chép
Hiện tượng dạy học đọc chép có thể nói vẫn còn khá phổ biến ở các trường phổ thông hiện nay. Đọc chép trong giờ chính khóa và trong các lò luyện thi. Thầy cô đọc trước, học sinh chép sau, hay thầy cô vừa đọc vừa ghi bảng rồi học sinh chép theo.
Đối với các bài khái quát về giai đoạn văn học hay khái quát về tác gia thầy cô cũng thường tóm tắt rồi đọc cho học sinh chép. Đối với bài “giảng văn” thầy cô cũng thường nêu “câu hỏi tu từ”, rồi giảng, sau đó đọc chậm cho học sinh chép các kết luận, nhận định. Trong cách dạy này học sinh tiếp thu hoàn toàn thụ động, một chiều.
Dạy nhồi nhét
Dạy nhồi nhét cũng là hiện tượng phổ biến do thầy cô sợ dạy không kĩ, ảnh hưởng đến kết quả làm bài thi của HS, cho nên dạy từ a đến z, không lựa chọn trọng tâm, không có thì giờ nêu vấn đề cho HS trao đổi, sợ “cháy” giáo án.
Kết quả của lối dạy này cũng là làm cho HS tiếp thu một cách thụ động, một chiều.
Dạy học văn như nhà nghiên cứu văn học
Một hiện tượng thường thấy là cách giảng văn trên lớp như cách nghiên cứu văn học của các học giả, như cách học của sinh viên văn học. Đó là cách phân tích sâu về tâm lí, về kĩ thuật ngôn từ, về phương pháp sáng tác…
Trong khi đố đối với học sinh, môn Ngữ văn chỉ cần dạy cho học sinh đọc hiểu, tiếp nhận tác phẩm như một độc giả bình thường là đủ, nghĩa là chỉ cần nắm bắt đúng ý nghĩa, tư tưởng của tác phẩm, một vài nét đặc sắc về nghệ thuật đủ để thưởng thức và gây hứng thú.
Học sinh học thụ động, thiếu sáng tạo
Tương ứng với cách dạy học như trên, học sinh tất nhiên chỉ tiếp thu một cách thụ động mà thôi. Tính chất thụ động thể hiện ở việc học thiếu hứng thú, học đối phó, và về nhà chỉ còn biết học thuộc để trả bài và làm bài.
Cách học đó tất nhiên cũng không có điều kiện tìm tòi, suy nghĩ, sáng tạo, cũng không được khuyến khích sáng tạo.
Học sinh không biết tự học
Cách học thụ động chứng tỏ học sinh không biết tự học, không có nhu cầu tự tìm hiểu, nghiên cứu, không biết cách chủ động tự đọc SGK để tìm hiểu kiến thức, không biết cách phân biệt cái chính và cái phụ, không biết tìm kiến thức trọng tâm để học, không biết từ cái đã biết mà suy ra cái chưa biết. Nói tóm lại là chưa biết cách tự học.
Học tập thiếu sự hợp tác giữa trò và thầy, giữa trò với trò
Mỗi cá nhân trong quá trình học tập đều có hạn chế, bởi mỗi người thường chỉ chú ý vào một số điểm, bỏ qua hoặc không đánh giá hết ý nghĩa của các kiến thức khác.
Trong điều kiện đó, nếu biết cách hợp tác trong học tập, giữa thầy giáo và học sinh, học sinh với học sinh có thể nhắc nhở nhau, bổ sung cho nhau, làm cho kiến thức được toàn diện và sâu sắc.
Học thiếu hứng thú, đam mê
Kết quả của việc học thụ động là học tập thiếu cảm hứng, thiếu lửa, thiếu niềm ham mê, mà thiếu những động cơ nội tại ấy việc học tập thường là ít có kết quả.
Có nhiều nguyên nhân tạo nên tình trạng học tập trì trệ, thụ động, thiếu hào hứng của học sinh.
Cô Thân Thị Thu Hiến cho rằng:Xét về xã hội, chúng ta đang sống là thời đại khoa học công nghệ, dể hiểu là đại đa số học sinh chỉ muốn học các ngành khoa học tự nhiên, kĩ thuật, kinh tế…ít có học sinh hứng thú học Văn, bởi phần đông học sinh nghĩ rằng năng lực văn là năng lực tự nhiên của con người xã hội, không học vẫn biết đọc, biết nói; học văn không thiết thực.
Văn có kém một chút, ra đời vẫn không sao, vẫn nói và viết được, còn không học ngoại ngữ, không học khoa học, kĩ thuật thì coi như chịu lép.
Có thể đó là lí do làm cho đa số học sinh không cố gắng học ngữ văn. “Đó là một vấn đề rộng lớn, ngoài tầm kiểm soát của nhà trường và bộ môn mà chúng ta phải đối mặt” – cô Thân Thị Thu Hiến chia sẻ.
Chúng ta không thể chủ quan hay ảo tưởng rằng đã là giáo viên thì điều gì cũng biết, cũng giỏi, có thừa kiến thức để dạy học sinh. Xã hội càng phát triển, công nghệ thông tin cập nhật. Học sinh chịu khó tìm tòi để hiểu biết có khi các em xuất sắc hơn thầy cô, nhất là học sinh ở những lớp chọn.
Vì thế, nếu chúng ta không cập nhật, hay cập nhật không có chọn lọc mà lấy nguyên kiến thức trên mạng vào bài giảng thì các em thấy chán, thất vọng và không chấp nhận chúng ta.
Giáo viên tìm đọc tham khảo bài viết, giáo án trên mạng internet là rất tốt. Nhưng, cần phải biết chọn lọc cái hay, bỏ cái dở. Đặc biệt trong quá trình hướng dẫn các em học bài cần chủ động kiến thức. Nếu không dẫn đến tình huống trong giờ giảng bài học sinh hỏi gấp cô giáo giải thích sai.
Điều này tôi thấy không phổ biến nhưng không phải không có ở giáo viên của ta. Song nguyên nhân quan trọng mà nhất vẫn là do cách thầy cô giảng dạy (phương pháp giảng dạy).