Nhiều năm nay, việc đào tạo liên thông một cách tràn lan, không đảm bảo chất lượng đã bị xã hội lên án. Liên thông thực tế đã trở thành con đường tìm kiếm bằng đại học một cách dễ dàng đối với những học sinh không thi đỗ đại học, cao đẳng chính quy. Như vậy là bản chất của liên thông đã bị biến tướng. Do đó, việc Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 55 quy định về liên thông trình độ đại học, cao đẳng là việc làm cần thiết, cần làm ngay. Tuy nhiên, vì sao Bộ lại ra quyết định này và việc siết chặt một cách bất ngờ đó có tác động thế nào đến đào tạo liên thông.

cu-nhan.jpg
Niềm vui của các cử nhân trong ngày nhận bằng tốt nghiệp 

Từ 18 giờ đến 21 giờ mỗi ngày từ thứ 2 đến thứ 6, khuôn viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội vẫn rất nhộn nhịp, điện sáng rực các phòng học. Đầu mỗi buổi học, các lớp liên thông đông đến nỗi không còn một chỗ trống. Để có được một chỗ ngồi trong lớp học này, chúng tôi phải đợi đến giờ giải lao, khi một số sinh viên “lẳng lặng” bỏ về sớm. Từ chỗ 95 sinh viên, lúc này còn khoảng 60 bạn chịu khó ngồi đến hết buổi học, còn giảng viên dường như đã quen với tình trạng này nên cũng không yêu cầu điểm danh. Câu chuyện về việc Bộ GD-ĐT tạo ban hành Thông tư 55 với nhiều quy định nhằm siết chặt liên thông đã lan đến các giảng đường. Đáng chú ý là quy định chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy hằng năm của cơ sở giáo dục đại học, người có bằng tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng muốn học liên thông lên cao đẳng, đại học ngay phải dự thi kỳ thi đại học, cao đẳng chính quy hàng năm, nếu không phải sau 36 tháng mới được liên thông lên đại học. Sinh viên đang học liên thông cho rằng mình may mắn, còn sinh viên đang có ý định học liên thông lại hoang mang, lo lắng cho tương lai của mình: Em nghĩ là sẽ ảnh hưởng khá lớn đến tất cả bọn em. Em dự định là học hết năm nay xong phải ôn ngay 3 môn kia để thi hoặc không thì em sẽ phải đi làm hoặc đi thực tập ở đâu đó 3 năm rồi mới thi. Em thấy các công ty hầu như đều nhận bằng đại học chứ không nhận bằng cao đẳng. Em lo lắng là những công ty em dự định đến sẽ không được đến vì khó khăn ở bước đi thi.

Em thấy lâu quá, mình phải đi làm một thời gian xong về liên thông thì khó hơn. Vì như bọn em bây giờ thì sau một thời gian lâu rồi kiến thức phổ thông cũng lỏng lẻo đi nên khả năng đỗ cũng khó hơn. Theo em thời gian học hơi dài đối với những ai có ý định học liên thông luôn”

Liên thông là con đường vòng quá dễ để với đến tấm bằng đại học. Theo khảo sát của Viện nghiên cứu phát triển nhân lực Hà Nội, rất ít học sinh có nguyện vọng học ở bậc thấp hơn đại học, nếu không đỗ đại học chính quy thì đành phải học cao đẳng, trung cấp để chờ học đại học. Vì thi dễ, học dễ, lấy bằng đại học dễ nên dù có rất nhiều chính sách ưu đãi đối với hệ nghề, nhưng học sinh vẫn chọn tốn thêm thời gian, tiền bạc để lấy cho được tấm bằng đại học qua con đường liên thông. Ông Khúc Văn Mát, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển nhân lực Hà Nội phân tích, bằng cấp hiện không thể hiện đúng giá trị thực của nó, mà chỉ là mục đích để đi xin việc, hưởng mức lương bổng, chế độ cao hơn: “Hiện nay theo khảo sát của chúng tôi ở công ty Bitis thì vấn đề bằng cấp là quan trọng nhưng không phải quyết định. Bằng cấp là chỉ là điều kiện cần thôi nhưng bằng cấp lại quyết định đến chuyện lương bổng của họ. Sau này vào cơ quan rồi tính toán đến chính sách cho người lao động, sự thăng tiến của họ bằng cấp lại là quyết định. Vấn đề hiện nay theo các chuyên gia là chất lượng bằng cấp, giá trị sử dụng của bằng cấp mới là có vấn đề”.

Bung ra quá đàỞ một góc độ khác, ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và đào tạo, dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết:  “Liên thông là một chủ trương rất phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhân dân, chủ trương của Bộ mở ra để cho những người có điều kiện có cơ hội học tập tốt hơn. Nhưng khi có chủ trương đào tạo liên thông, các trường lập tức mở bung ra, quá đà, đã phá vỡ cơ cấu nguồn nhân lực.  Theo số liệu năm 2009 thì tỉ lệ 1 cử nhân / 1,7 trung cấp và trên 0,92 là dạy nghề là quá bất hợp lý, trong khi một đất nước phát triển theo công nghiệp hóa thì tỉ lệ đó ở mức 1/4/10” .

Thực tế, các ngành đào tạo liên thông chủ yếu là ngành kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng… cũng chính là những ngành mà Bộ GD-ĐT vừa yêu cầu không tiếp tục đào tạo vì dư thừa “đầu ra”. Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bùi Anh Tuấn thừa nhận: liên thông đã bị biến tướng, mất kiểm soát. Nhiều trường khi triển khai đào tạo đã làm méo mó và sai bản chất của liên thông. Rất nhiều trường đào tạo liên thông theo hình thức vừa làm vừa học lại tuyên bố với người học là cấp bằng chính quy, nhiều trường không xin phép Bộ mà bất chấp tất cả những quy định hiện hành để thực hiện đào tạo liên thông.

Hệ cao đẳng, trung cấp không phải là bước 1 của đại học. Liên thông không phải là đường vòng để có tấm bằng đại học. Thông tư 55 quy định đào tạo liên thông trình độ đại học, cao đẳng có hiệu lực từ ngày 7/2 tới là một trong những giải pháp mạnh tay mà Bộ GD-ĐT thực hiện nhằm chấn chỉnh đào tạo liên thông. Ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo dục về Thông tư 55 ra sao, chúng tôi sẽ đề cập trong phần 2 của loạt bài này./.