Sau năm 2015, học sinh phổ thông ở Việt Nam sẽ sử dụng bộ sách giáo khoa mới. Bộ sách này chuyển cách tiếp cận tập trung vào kiến thức sang cách hướng tới phát triển năng lực học sinh.

Đây cũng là xu thế chung của thế giới, trong đó có việc đáp ứng yêu cầu “Dạy học tích hợp- dạy học phân hóa” trong chương trình giáo dục phổ thông. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn TS Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - Phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

PV: Ông có cho biết định hướng đổi cơ bản của chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Chương trình phổ thông sau năm 2015 sẽ quán triệt tốt hơn yêu cầu về mục tiêu giáo dục đã được quy định trong Luật Giáo dục.

vinhien.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Cụ thể là, chúng ta phải có hướng tiếp cận cơ bản, chuyển từ việc quan tâm dạy cho học sinh cách làm được gì thông qua việc học. Đó là chương trình tiếp cận năng lực.

Để làm được điều này, chúng ta phải làm tốt những chủ trương đã ghi rõ trong Luật là: Kết hợp dạy chữ với dạy người, coi trọng hơn dạy người trong chương trình giáo dục mới, tăng cường hơn việc thực hành, vận dụng kiến thức.

Muốn vậy, chúng ta phải tiến hành đổi mới đồng bộ các yếu tố liên quan đến dạy và học, như: Xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới quán triệt mục tiêu trên, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, bắt đầu từ đổi mới trong các trường sư phạm để có giáo viên đáp ứng yêu cầu mới trong giáo dục phổ thông; Đẩy mạnh hơn nữa chỉ đạo đổi mới phương thức, hình thức dạy học, đồng bộ với đổi mới kiểm tra đánh giá để đáp ứng yêu cầu của chương trình.

Trong tất cả những điều đó thì yêu cầu đổi mới công tác quản lý giáo dục được đặt ra rất quan trọng. Bởi vì, những yếu kém trong quản lý thời gian qua đã được xác định là một trong những nguyên nhân chủ yếu cản trở sự đổi mới trong giáo dục.

Như vậy, phải đổi mới cơ chế quản lý, cũng như bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục từ các nhà trường đến cơ quan quản lý giáo dục.

PV: Trong rất nhiều yêu cầu đổi mới dạy và học, đổi mới sách giáo khoa, có yêu cầu về “dạy học tích hợp- dạy học phân hóa”, yêu cầu này được thể hiện trong sách giáo khoa mới như thế nào, thưa thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Dạy học tích hợp và dạy học phân hóa là hai hướng để thiết kế chương trình SGK, nhằm làm cho học sinh có năng lực vận dụng kiến thức tổng hợp để giải quyết những vấn đề trong học tập, cuộc sống.

Giáo dục phổ thông phải đảm bảo cho học sinh phổ thông định hướng ra đời, định hướng học tiếp lên những bậc học cao hơn.

Trước hết, dạy học tích hợp là yêu cầu xử lý một cách hệ thống, thống nhất các nội dung kiến thức, kỹ năng thực hành của học sinh để vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng trong giải quyết các vấn đề.

Như vậy, yêu cầu đặt ra là học sinh phải nắm kiến thức một cách hệ thống và khi xử lý tình huống thì phải vận dụng một cách tổng hợp.

Cách thức thực hiện có thể là giảm số môn học nhưng trong một môn học sẽ liên quan đến nhiều kiến thức khác nhau hoặc cũng có hướng là các môn học đều nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn hiện nay. Ví dụ như: Bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, an toàn giao thông, sử dụng năng lượng tiết kiệm…

Dạy học phân hóa nhằm đảm bảo việc dạy học phù hợp với năng lực, nhận thức, tình cảm, hứng thú của từng học sinh. Dạy học phân hóa cũng nhằm đảm bảo cho học sinh chuẩn bị những yếu tố cần thiết cho việc ra đời cũng như chuẩn bị tâm thế để tiếp tục học lên cao hơn, tùy theo sở thích, nguyện vọng và ý tưởng của từng em.

Dạy học phân hóa còn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của đất nước chúng ta là có nhiều hoàn cảnh khác nhau: miền núi- miền xuôi, nông thôn- thành phố, hướng tới phù hợp với đối tượng, mục đích của việc dạy học.

Tư tưởng dạy học tích hợp được quán triệt suốt trong giáo dục phổ thông, từ lớp dưới lên lớp trên, đặc biệt ở bậc giáo dục cơ bản, giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

Dạy học tích hợp cũng tiếp tục trong giáo dục trung học phổ thông nhưng ở bậc này, dạy học phân hóa sẽ trở nên nổi trội hơn vì để chuẩn bị cho học sinh vào đời.

Như vậy chúng ta phải xử lý vấn đề này bắt đầu từ việc biên soạn chương trình sách giáo khoa, bằng việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, thay đổi công tác quản lý giáo dục, đổi mới kiểm tra đánh giá, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện, thời gian để thực hiện những định hướng dạy học phân hóa, dạy học tích hợp.

PV: Như vậy, có thể nói, với sách giáo khoa sau 2015, học sinh phổ thông sẽ được phát huy hơn về tính chủ động và khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đây là yêu cầu cơ bản của đổi mới chương trình sách giáo khoa. Khi học sinh đã nắm được kiến thức một cách tổng hợp, có mối liên quan giữa các lĩnh vực khác nhau và các em được tập dượt sử dụng kiến thức ngay từ trong nhà trường thì khả năng vận dụng kiến thức để xử lý các vấn đề trong cuộc sống sau này sẽ tốt hơn.

Đây chính là định hướng đổi mới chương trình theo hướng tiếp cận năng lực của người học.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!