Trở lại với chuyện sách giáo khoa. Liên tiếp qua mấy kỳ báo vừa rồi, tôi cũng đã điểm qua một vài bài, chỉ vài bài thôi, trong sách giáo khoa, chủ yếu cũng vẫn là sách cũ, thời còn chế độ bao cấp, để các thày cô, các em học sinh và đông đảo bạn đọc thấy được những cố gắng rất đáng được ghi nhận của các nhà biên soạn sách giáo khoa cải cách. Có thể vẫn còn những điều cần phải bàn tiếp, những chi tiết nên được điều chỉnh, nhưng rõ ràng chương trình học đã có một bước cải tiến rõ rệt, nội dung phong phú hơn, đa dạng hơn. Nhiều tác phẩm được trích dạy trong nhà trường thực sự là những áng văn hay, có giá trị cả về mặt nội dung cũng như nghệ thuật.

hoc-sinh.jpg
Một đứa trẻ còm nhom 9 tuổi lại phải cõng trên lưng cả một ông đô vật khổng lồ với bao nhiêu nỗi niềm tâm sự thâm thúy, sâu sắc

Tuy nhiên, bên cạnh sự cố gắng rất đáng được ghi nhận ấy, sách giáo khoa cải cách cũng bộc lộ nhiều lỗ hổng rất không đáng có. Có lẽ cũng vì thế mà suốt bao năm qua đã xuất hiện nhiều bài phê bình, nhiều cuộc tranh luận khá gay gắt về sách cải cách của các nhà nghiên cứu, các nhà chuyên môn, các bậc phụ huynh học sinh. Để tiến tới sự hoàn thiện sách giáo khoa, tôi nghĩ cần phải có các cuộc hội thảo nghiêm túc. Ở đây, trong mấy bài báo vặt, tôi sẽ không nhắc lại những chuyện đã cũ, những điều mọi người đã tranh luận. Tôi chỉ xin nêu một vài băn khoăn mới nảy sinh:

Băn khoăn thứ nhất: sách giáo khoa cải cách còn thiếu tính khoa học và thiếu tính chuyên nghiệp. Đặc biệt, thiếu một tầm nhìn tổng thể có tính bao quát ở cấp quốc gia:

Điều này dễ nhận thấy nhất, nếu đặt từng bộ sách vào trong một tổng thể hệ thống sách giáo khoa xuyên suốt các cấp học. Nếu tách riêng ra từng bộ sách như một công trình độc lập thì không có vấn đề gì phải bàn. Thậm chí còn thấy không ít điểm hay. Vì các bộ sách ít nhiều cũng có được những ưu điểm như tôi đã nói và được biên soạn công phu, biên tập, xét duyệt kỹ lưỡng.

Tôi cũng được biết, trước khi nghiệm thu, bộ sách còn được Bộ Giáo dục đưa ra cho các thày cô giáo thẩm định, góp ý, rồi tập huấn giáo viên, đưa  dạy thí điểm, rồi mới nghiệm thu và dạy đại trà. Cách làm như vậy là khoa học và thận trọng. Chỉ tiếc, khi đặt vào tổng thể trong hệ thống sách giáo khoa, mới thấy nó khập khiễng, vênh váo, lộn xộn không đồng bộ. Bởi sự thiếu hụt, chồng chéo, trùng lặp. Đặc biệt là không nhìn thấy bàn tay chỉ đạo ở cấp vĩ mô.

Nói một cách khác, công cuộc cải cách nhìn qua “ô cửa” sách giáo khoa, như một dàn nhạc lớn, ở đó có nhiều nhạc cụ đa dạng, tinh xảo, quý giá, nhưng lại thiếu một bàn tay chỉ huy của một vị nhạc trưởng điêu luyện, có tầm nhìn bao quát cả bản tổng phổ, vì thế, cứ mạnh ai nấy tấu. Nhìn lướt qua hệ thống sách giáo khoa, có cảm giác công cuộc Cải cách giáo dục, một vấn đề rất lớn, rất nghiêm túc ở cấp quốc gia nhưng lại bắt đầu từ các nhóm làm sách đơn lẻ. Và các nhóm làm sách thì lại chỉ biết mỗi phần việc của mình, trau chuốt cho phần việc của mình và rất tự tin là mình đã làm việc nghiêm túc.

Và như thế, cuộc Cải cách lại bắt đầu từ những người soạn sách, vì những người soạn sách, chứ không vì các em học sinh, không vì các thày cô giáo và lớn hơn, cũng không phải vì cả nền giáo dục. Bởi thiếu tầm nhìn bao quát, nên nhiều nội dung chồng chéo, trùng lặp. Chỉ xin nêu một ví dụ: Bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan là một kiệt tác, rất cần đưa vào chương trình học. Nhưng chúng ta đã đưa như thế nào? Ta hãy nghe chính các thày cô lên tiếng:

Cô giáo Nguyễn Thị Từ Huy đặt câu hỏi: "Trước đây bài thơ “Qua đèo Ngang” này được học ở lớp 9, rồi sau lại thấy học ở lớp 7, nhiều giáo viên dạy Văn là bạn của tôi cho rằng, bài thơ quá khó với học sinh lớp 7. Bây giờ bài thơ này lại xuất hiện ở sách lớp 4, các thày cô biết giảng giải thế nào để chuyển tải bố cục đề - thực - luận - kết, là cấu trúc niêm luật của một bài thơ theo thể Luật Đường. Liệu có quá khó không? Ngay cả một người lớn cũng còn khó nắm bắt huống hồ các học sinh ở bậc Tiểu học. Liệu các em ở lứa tuổi nhi đồng có thể có khả năng lĩnh hội được không?".

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen thì thẳng thừng khẳng định rằng, bà hoài nghi việc chọn bài thơ “Qua đèo Ngang” vào sách lớp 4. “Không phải chỉ ở góc độ kỹ thuật mà còn ở vấn đề căn cơ: Người soạn sách nghĩ rằng bố cục thơ Luật Đường là bố cục chặt chẽ nhất, trong sáng nhất, mạch lạc nhất. Nhưng đó là đối với người soạn sách, là quan điểm của người soạn sách, chứ đối với đứa trẻ 9 tuổi thì làm sao các cháu có thể tiếp thu nổi.

Tôi cứ hình dung một đứa trẻ còm nhom 9 tuổi lại phải cõng trên lưng cả một ông đô vật khổng lồ với bao nhiêu nỗi niềm tâm sự thâm thúy, sâu sắc, nhưng không phải để dành cho trẻ con: “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia/ Dừng chân đứng lại: Trời, non, nước/ Một mảnh tình riêng ta với ta…” Tôi không thể hình các thày cô sẽ “đánh vật” như thế nào để có thể  giảng giải cho đứa bé 8, 9 tuổi có thể hiểu được những nỗi niềm tâm sự sâu thẳm không phải để dành cho con trẻ như thế”.

Bài thơ này, nếu đưa vào chương trình lớp 12 hoặc bậc Đại học thì quá hay, chúng ta chẳng bàn làm gì, nhưng lại đưa vào chương trình tiểu học thì rõ ràng những người soạn sách không hiểu các em, cũng không hiểu đối tượng mà mình đang hướng tới.

Băn khoăn thứ hai: Chương trình quá tải, nội dung quá tải.

Điều này thì ai cũng thấy. Các em đi học bây giờ khổ quá. Có cháu bé loắt choắt, chỉ mới học lớp một, lớp hai mà đã phải vác trên lưng cả một chiếc ba lô nặng trịch sách giáo khoa rồi sách đọc thêm. Học cả ngày ở trường, tối về nhà cũng phải vùi đầu vào học mà cũng vẫn chưa hết các bài cần phải học. Thế thì còn thời gian nào để các cháu vui chơi?

Đối với các cháu nhỏ, vui chơi cũng là một việc rất quan trọng để xây đắp tâm hồn, nhân cách và hòa đồng với cộng đồng, xã hội. Ở các nước tiên tiến, các cháu nhỏ học rất thoải mái. Học như chơi. Mà chơi cũng là học. Các cháu về nhà, sách để hết ở trường. Còn con em chúng ta thì lúc nào cũng cứ như tù khổ sai. Chương trình học đã quá tải, nội dung học cũng quá tải. Một tác phẩm rất hay, như Qua Đèo Ngang mà tôi vừa dẫn ở trên, nếu đặt không đúng chỗ, không đúng đối tượng thì cũng thành quá tải.

Ở ta, soạn sách cho các em học sinh phổ thông phần lớn là các Giáo sư dạy đại học. Các thày quen dạy đại học nên cứ tưởng các em học sinh tiểu học là sinh viên chăng? Có vị làm Tiến sĩ ở nước ngoài, mang luôn những kiến thức đào tạo các nhà ngôn ngữ học ra dạy ngữ pháp cho học sinh phổ thông. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến sự quá tải. Tại sao chúng ta không mời các thày cô dạy phổ thông cùng tham gia trong nhóm soạn sách cho các em?

Trong đội ngũ giáo viên dạy Phổ thông, nhiều người rất giỏi. Có thày cô cả đời chỉ dạy học sinh lớp một, lớp hai, không ai hiểu các em bằng chính các thày cô đứng lớp như thế. Tại sao chúng ta lại quên họ? Tôi nghiệm thấy ở đời, những người thực tài, những bậc thông thái đích thực thường rất khiêm nhường và giản dị. Họ thường biến những điều phức tạp thành giản dị, dễ hiểu. Còn chúng ta lại cứ biến những điều vốn dĩ giản dị, dễ hiểu thành phức tạp, rối mù.

Ngày xưa học ngữ pháp, cô chỉ nói mấy phút là học sinh đã nắm được bài ngay tại lớp. Và rồi cũng chỉ có mấy bài học ấy, tôi còn thành được nhà văn ở lứa tuổi nhí. Bây giờ, đọc ngữ pháp của con tôi, tôi chẳng hiểu gì. Các thày cô buông sách hướng dẫn giảng dạy ra thì cũng chẳng còn biết  xoay sở như thế nào.

Ta hãy nghe ý kiến của Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng, cựu Đại biểu Quốc hội nhiều khóa: “Thật khốn khổ vì chương trình và sách giáo khoa ở bậc phổ thông. Thật đáng buồn vì Bộ Giáo dục & Đào tạo định đến năm 2015 mới bắt đầu sửa và trình một dự án với kinh phí khổng lồ!? Đời thuở nhà ai lại dạy Cú pháp tiếng Việt cho học sinh lớp 6: "Ngừng nghỉ tiếng chim kêu. Câu này là câu gì?" Tôi nghĩ cụ Nguyễn Tuân có sống lại cũng không thể trả lời được!

Môn Sinh học rất ít giờ nhưng học sinh bị nhồi nhét tất cả các môn học của bậc Đại học, không thiếu bất kỳ một môn nào! Tôi được tham gia thẩm định sách giáo khoa nhưng lại không được phép bàn về Chương trình. Có người khác làm chuyện này. Đúng thật là Tư duy Dự án!? Nếu giao cho Hội các ngành Sinh học chúng tôi soạn Chương trình rồi thông qua một Hội đồng cấp Nhà nước thì đâu cần đến nhiều thời gian và kinh phí như thế. Một nước rất nghèo như Nepal vậy mà sách giáo khoa môn Sinh vật lớp 11 hay lớp 12 đều dày trên 700 trang! Thật đơn giản vì họ coi học hết lớp 10 là đủ kiến thức phổ thông rồi. Thế hệ chúng tôi học phổ thông chỉ có 9 năm thôi, vậy mà chúng tôi đâu có dốt nát! Ở Nepal các lớp 11 và 12 học theo 4 phân ban, mỗi phân ban chỉ học có 4 môn thôi!!! Vì thế ban Hóa Sinh mới có thể dùng sách giáo khoa dày tới 700 trang.

Ở Pháp, học sinh phổ thông không học Sinh hoc (Biologie) mà học môn Khoa học về Sự sống và Trái đất. Học sinh chỉ học những nguyên lý chung về sự sống, từ vi khuẩn đến con người. Rất sâu nhưng không cần biết đến từng lớp thực vật hay động vật như ở ta! Rõ ràng ta bắt học sinh học một chương trình Sinh học chả giống bất kỳ nước nào trên thế giới hiện nay!!! Tôi góp ý kiến mãi rồi nhưng chẳng có ai nghe, mặc dầu tôi là Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam”.

Còn môn Toán ư?  Ta cũng lại nghe Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng: “Bạn tôi từ cách đây 61 năm - thầy Nguyễn Văn Bào, nguyên là thầy giáo của con trai tôi và Ngô Bảo Châu, sau khi đọc loạt bài về giáo dục của Trần Đăng Khoa, có kể cho tôi nghe một bài toán của học sinh lớp 5, và hỏi tôi, và tôi xin hỏi lại tất cả bạn đọc xem liệu có ai giải được không. Đầu bài như sau: Năm nay em học hết Tiểu học và mẹ em có số tuổi bằng 1/5 tổng số tuổi của những người còn lại trong gia đình. Đến khi em vào học Đại hoc thì mẹ em cũng có số tuổi bằng 1/5 tổng số tuổi của những người còn lại trong nhà. Hỏi nhà em có bao nhiêu người cả thảy?”. Các bạn có bình luận gì về các loại bài tập như vậy cho con em chúng ta ở bậc tiểu học?”

Còn biết bình luận gì nữa, thưa Giáo sư Nhà giáo Nhân dân! Phải chăng đó là một trong những lý do khiến học sinh cảm thấy sợ hãi khi phải đến trường và các em đã bỏ học hàng loạt. Điều ấy không đáng để chúng ta phải suy nghĩ sao?/.

(Còn tiếp)