Ngay sau khi có thông báo rộng rãi về việc tạm dừng bổ nhiệm Luật sư Lê Đình Vinh - người đã dự thi và trúng tuyển Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội, Bộ Tư pháp lại vừa tổ chức ngay lễ trao quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội cho ông Lê Tiến Châu - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Tư pháp).
Việc không bổ nhiệm người đã trúng tuyển chức danh Hiệu trưởng ở một cơ sở đào tạo luật sư có uy tín như Đại học Luật Hà Nội tại một kỳ thi được đánh giá là khách quan, minh bạch, trung thực với sự giám sát của nhiều cơ quan chức năng và báo chí đang khiến dư luận hoài nghi về mục đích ban đầu, chủ trương đổi mới tuyển dụng cán bộ lãnh đạo cấp Vụ của cơ quan công quyền Nhà nước.
Việc Bộ Tư pháp không bổ nhiệm người trúng tuyển chức danh Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội trong kỳ thi do Bộ tổ chức vào tháng 9/2015 đang khiến dư luận quan tâm (ảnh: Internet) |
Trước Bộ Tư pháp, đã có một số Bộ, ngành, địa phương tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo một cách công khai, minh bạch như Bộ Giao thông Vận tải tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, Vụ trưởng Vụ Vận tải với mục đích tuyển chọn được người thực sự có đủ năng lực quản lý, đạo đức, trình độ chuyên môn…
Cũng giống như cách thức thi tuyển của Bộ Giao thông Vận tải, việc tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ của Bộ Tư pháp đã được dư luận hoan nghênh bởi tinh thần đổi mới từ khâu công khai tuyển dụng cho đến việc giám sát tổ chức thi tuyển và công bố kết quả trúng tuyển. Cuộc thi được dư luận đánh giá cao như mở ra cách thức mới để lựa chọn người tài vào trong bộ máy hành chính nói riêng, lĩnh vực tư pháp nói chung.
Thế nhưng, từ khi kỳ thi diễn ra đầu tháng 9/2015 cho đến nay đã được hơn 4 tháng, Luật sư Lê Đình Vinh- người đạt kết quả xuất sắc nhất, trúng tuyển chức danh Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội lại không được bổ nhiệm. Đây là câu chuyện chưa từng có tiền lệ và vụ việc thêm một lần nữa khiến chúng ta băn khoăn về cách thức tuyển dụng nhân tài vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước hiện nay.
“Hiền tài thời nào cũng có. Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Từ xưa đến nay, ông cha ta đã thấy được tầm quan trọng của việc sử dụng nhân tài đối với sự tồn vong, hưng thịnh của đất nước nên luôn biết trọng dụng, chiêu hiền đãi sĩ.
Thông qua các cuộc thi như: thi hương, thi hội, thi đình…, ông cha ta đã chiêu mộ được biết bao nhân, trí sĩ có đầy đủ phẩm chất, trí tuệ, văn võ song toàn để sử dụng trong những việc trọng đại của xã tắc như: mưu lược dẹp giặc ngoại xâm, trị quốc, bình thiên hạ...
Còn ngày nay, khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới thì việc trọng dụng, thu hút người có tài, có đức vào làm việc ở các cơ quan Nhà nước lại càng hết sức cần thiết và phải được ưu tiên hàng đầu.
Trong nhiều năm nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều chính sách để thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài. Tuy nhiên, những chính sách đưa ra vẫn chưa đủ sức mạnh để “giữ chân” được người tài cống hiến công sức, trí tuệ ở các cơ quan Nhà nước.
Nhiều nhà khoa học trong các lĩnh vực, quán quân của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” đã chọn ở lại nước ngoài làm việc khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về những giải pháp trọng dụng nhân tài đã thực sự có có chuyển biến chưa?
Quay trở lại vụ việc Luật sư Lê Đình Vinh tham gia thi và trúng tuyển ở một kỳ thi được cho là minh bạch của một cơ quan công quyền Nhà nước như Bộ Tư pháp lại không được bổ nhiệm đã ảnh hướng lớn đến uy tín, danh dự của luật sư Vinh.
Hơn nữa, vấn đề này có thể càng khiến cho việc kêu gọi, thu hút nhân tài khó trở thành hiện thực hoặc có những rào cản vô hình mà chính người có tài năng sẽ cảm thấy ái ngại, không được coi trọng… Nhiều người sẽ lấy câu chuyện này ra để làm ví dụ về cách ứng xử với người có tài khi cân nhắc có nên làm việc và cống hiến trí tuệ, công sức ở các cơ quan Nhà nước nói riêng và đất nước nói chung./.
Kỳ thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ của Bộ Tư pháp được tổ chức vào đầu tháng 9/2015 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm Chủ tịch Hội đồng thi. Vị trí Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội có 4 ứng viên đủ điều kiện đăng ký dự thi gồm: ông Lê Đình Vinh – Giám đốc Công ty Luật Vietthink, ông Hoàng Xuân Châu - Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp Trường Đại học Luật Hà Nội, ông Bùi Xuân Hải - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM và bà Trần Kim Liễu - Phó trưởng phòng Hành chính tổng hợp Trường Đại học Luật Hà Nội.
Đầu tháng 9/2015, Bộ Tư pháp đã có thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc 3 ứng viên trúng tuyển trong kỳ thi lãnh đạo cấp Vụ của Bộ Tư pháp năm 2015 gồm: Ông Lê Đình Vinh trúng tuyển Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội, ông Đồng Ngọc Ba trúng tuyển vào chức danh Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và bà Trần Thu Hường trúng tuyển chức danh Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.
Tuy nhiên sau đó Bộ Tư pháp chỉ trao quyết định bổ nhiệm cho ông Đồng Ngọc Ba và bà Trần Thu Hường. Riêng quyết định của luật sư Lê Đình Vinh bị “treo” lại.
Đến ngày 15/1/2016, Bộ Tư pháp đã có thông cáo báo chí cho biết, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng). Qua đó, Bộ Tư pháp quyết định tạm dừng việc bổ nhiệm ông Lê Đình Vinh - người đã trúng tuyển Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội cho đến khi Đề án của Ban Cán sự Đảng Chính phủ được ban hành sẽ xem xét tiếp.